Chuyên gia lý giải vì sao trẻ bị nhốt trong tủ đông nguy hiểm đến tính mạng

13:46 | 15/08/2022

Theo các chuyên gia, khi hạ thân nhiệt quá mức và kéo dài, đặc biệt ở đối tượng trẻ nhỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Liên quan đến vụ việc cháu N.H.Đ (SN 2019, trú tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) bị đối tượng Nguyễn Trường Giang (SN 1997, trú tại xã Chính Lý, Lý Nhân) bạo hành vào chiều 13/8, các bác sĩ Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) chẩn đoán cháu bé bị suy hô hấp/hạ thân nhiệt/chấn thương vùng đầu mặt cổ.

Theo VietnamNet, đại diện Khoa Cấp cứu và chống độc thông tin, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh. Nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng do cơ thể không kịp tạo nhiệt cho tim và hệ thống thần kinh, thậm chí tử vong.

Bé trai nghi bị nhốt trong tủ cấp đông, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé trai nghi bị nhốt trong tủ cấp đông, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

1. Hạ thân nhiệt là gì?

Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể bất thường và xuống thấp dưới 35 độ C khi đo ở hậu môn. Dựa vào nhiệt độ có thể phân loại hạ thân nhiệt như sau:

- Hạ thân nhiệt nhẹ: 35-34 độ C.

- Hạ thân nhiệt trung bình: 34-32 độ C.

- Hạ thân nhiệt nặng: 32-25 độ C.

- Hạ thân nhiệt nguy kịch: dưới 25 độ C.

2. Các biểu hiện của hạ thân nhiệt

- Hạ nhiệt nhẹ: Rét run trừ ở trẻ sơ sinh không có triệu chứng này, da lạnh tái xanh tím, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, hạ huyết áp. Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu có triệu chứng cứng bì.

- Hạ thân nhiệt trung bình: da tím tái, đầu chi thâm tím, mạch yếu, tình trạng lờ đờ, hạ huyết áp, thở nhanh nông, tiểu ít, tim đập chậm. Trẻ sơ sinh bị cứng bì lan rộng.

- Hạ nhiệt nặng và nguy kịch: da lạnh tái nhợt, các đầu chi tím, cứng cơ trừ trường hợp giảm nhiệt độ do nhiễm độc, do gây mê sâu thì cơ nhẽo. Rối loạn ý thức. Nếu nhiệt độ dưới 28 độ C thì hôn mê, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng. Nếu phản xạ gân xương còn, điện não đồ còn hoạt động thì còn khả năng hồi phục.

ha than nhiet

3. Chuyên gia lý giải vì sao trẻ bị nhốt trong tủ đông nguy hiểm đến tính mạng

Trên VietnamNet, Ths.BS Lê Văn Dẫn (Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay: “Nan nhân có nguy cơ tử vong tùy vào nhiệt độ tủ đông và thời gian bị nhốt trong tủ kéo dài bao lâu. Khi trẻ bị lạnh kéo dài sẽ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt. Ngoài triệu chứng nhiễm lạnh, nạn nhân sẽ bị rối loạn các chuyển hóa trong máu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Trong không gian hẹp như ngăn đông tủ bảo ôn và thời gian kéo dài có thể xảy ra nguy cơ về ngạt khí. Tủ đông đóng kín khiến nạn nhân bị thiếu dưỡng khí, thiếu oxy, CO2 tăng lên có thể rơi vào tình trạng hôn mê”, Ths.BS Dẫn nói

BS Đặng Xuân Thắng - Khoa Nội tổng hợp, Đại học Y Dược - Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cũng khẳng định, hành động đánh ngất bỏ trong ngăn đông vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. “Thông thường ngăn đông tủ lạnh nhiệt độ là 0 độ C. Cơ thể con người bị hạ thân nhiệt nguy hiểm hơn nhiều so với sốt, tăng thân nhiệt vì gây ngừng toàn bộ các quá trình như ngừng tim, tuần hoàn, ngừng các chức năng cơ thể như hô hấp, tiêu hóa, thần kinh…”.

BS Thắng cho biết thêm, việc cháu bé được bọc trong tấm bìa caton khi cho vào tủ lạnh, chính tấm bìa này mang tính cách nhiệt có thể làm chậm quá trình giảm thân nhiệt, giúp cháu bé chưa có tổn thương nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (Đại học Nguyễn Tất Thành) cũng phân tích, nạn nhân trong vụ việc này đã gặp phải 2 nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng là nhiệt độ thấp và thiếu oxy bên cạnh các thương tổn do bị bạo hành. Nhiệt độ tủ cấp đông trong khoảng từ 0 tới -18 độ C có thể dẫn tới suy chức năng của hàng loạt cơ quan, nhất là hệ tuần hoàn và hô hấp. Nguy hiểm nhất là khi cơ thể chuyển sang giai đoạn hạ thân nhiệt, nhiệt sinh ra không bù đủ nhiệt mất đi, trừ người đã quen ở vùng lạnh, cơ thể có thể chịu được điều kiện này trong khoảng vài tiếng đồng hồ. Yếu tố may mắn là trong tủ không ẩm và có gió như khi gặp giá rét ở bên ngoài. 

“Tuy nhiên yếu tố thiếu oxy có thể nguy hiểm cho tính mạng hơn trong tình huống này, nhất là khi trong tủ không có nhiều không gian. Việc cháu chưa có tổn thương nghiêm trọng sau khi bị nhốt trong thời gian như vậy tôi nghĩ có phần may mắn, tình huống đã có thể xấu hơn nhiều”, TS Lê Minh nhận định.

4. Cơ thể đối diện với nguy hiểm khi hạ thân nhiệt quá lâu

Hạ thân nhiệt quá lâu tinh thần của người bệnh sẽ không còn tỉnh táo, thường bị lú lẫn, vụng về và nhiều biểu hiện khác như:

- Rối loạn nhịp tim: Hạ thân nhiệt có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc giảm, tăng nhịp tim.

- Bỏng lạnh: Tình trạng bỏng lạnh thường xuất hiện đầu tiên với một số vùng chịu lạnh nhất của cơ thể, sau sẽ lan dần tới nhiều nơi nếu nhiễm lạnh không được khắc phục.

- Cước tay chân: Cước tay chân là hiện tượng xảy ra khi cơ thể nhiễm lạnh kéo dài, gây sưng buốt và ngứa các ngón tay - chân hoặc toàn bộ cơ quan này.

- Mất thăng bằng, nói ấp úng: Đây là biểu hiện cho thấy thân nhiệt giảm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thần kinh và não bộ.

- Hoại tử: Hoại tử có thể xảy ra khi cơ thể bị lạnh quá lâu, đây là tình trạng nguy hiểm, cảnh báo người bệnh cần được làm ấm càng sớm càng tốt.

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng kể trên, cần sớm thực hiện các biện pháp tăng nhiệt cho cơ thể và đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Hạ thân nhiệt có thể gây rối loạn nhịp tim.

Hạ thân nhiệt có thể gây rối loạn nhịp tim.

5. Hạ thân nhiệt phải xử lý như thế nào?

BSCKI Huỳnh Kim Long (Bác sĩ hồi sức cấp cứu – Khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng) cho biết, khi phát hiện bệnh nhân hạ thân nhiệt cần gọi xe cấp cứu đưa ngay tới cơ sở y tế. Trong khi chờ đợi thì cần giúp bệnh nhân thực hiện những việc sau:

- Cởi bỏ lớp quần áo ướt thay bằng quần áo khô ráo.

- Sưởi ấm: Đắp nhiều lớp chăn khô hoặc áo choàng, sưởi ấm bằng nệm nước ấm và đặt bệnh nhân nằm ở những nơi tránh gió lùa, che kín đầu bệnh nhân.

- Cho bệnh nhân uống nước ấm hoặc uống cháo nóng, thức uống không chứa caffeine.

- Theo dõi nhịp thở của bệnh nhân để có thể hà hơi thổi ngạt kịp lúc khi có biểu hiện thở chậm hoặc nông trầm trọng.

- Không nên chườm nóng trực tiếp hoặc dùng đèn sưởi, nệm sưởi làm ấm, không cố làm ấm tay và chân vì sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm và tử vong.

- Không chà xát, xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.

Khi đã đến cơ sở y tế và tình trạng bệnh nặng, cần hô hấp nhân tạo bằng cách đặt nội khí quản khi có giảm thông khí nặng và rối loạn ý thức. Đồng thời, truyền dịch bicarbonat, dung dịch điện giải, máu hoặc plasma tùy nguyên nhân hạ thân nhiệt, thận trọng và truyền dịch từ từ. Sau đó có thể hút dạ dày hoặc đặt ống thông hậu môn để chống liệt ruột cơ năng. Chú ý, không dùng thuốc co mạch vì sẽ làm cản trở ngoại biên dễ gây phù phổi cấp.

Tin cùng chuyên mục

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

8:24 | 17/04/2024

Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy tham khảo từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8:23 | 15/04/2024

Bệnh đột quỵ thường diễn biến bất ngờ và ngày càng trẻ hóa. Đối với nam giới có thói quen hút thuốc và thường xuyên bia rượu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.