Đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập
Sáng nay (7/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày Tờ trình dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tại dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm vấn đề
Thứ nhất, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.Thứ hai, sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.Chính quyền địa phương cấp tỉnh: dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương;

Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban KT-XH; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của ĐVHC cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPL&TP) cho rằng, Ủy ban tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
