Dinh Độc Lập - Dấu ấn đặc biệt về chiến thắng lịch sử của dân tộc
Dinh Độc Lập là công trình kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử đặc biệt - nơi lưu giữ dấu ấn về ngày chiến thắng, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trước ngày 30/4/1975 lịch sử, Dinh Độc Lập là một trong những cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, nơi chứng kiến sự can thiệp quân sự của nước ngoài gây chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam. Sau ngày giải phóng, đây là công trình kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử đặc biệt - nơi lưu giữ dấu ấn về ngày chiến thắng, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là ý nghĩa của tên gọi hiện tại của công trình - Hội trường Thống nhất.

Ông Tư Cang nhớ lại, khi các đoàn quân tiến về Sài Gòn như “thác đổ”, đến 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, tại Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh phát đi tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn quyết định đơn phương ngừng bắn và trao quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên lời tuyên bố lúc đó đã không còn giá trị. Cùng lúc đó, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, sau khi đè bẹp một số mục tiêu quan trọng ở Thủ Đức, lần lượt vượt qua cầu Sài Gòn và cầu Thị Nghè tiến thẳng về hướng Dinh Độc Lập.

Được xây dựng vào năm 1868, Dinh Độc Lập có tên ban đầu là Dinh Norodom. Đến năm 1962, Dinh được xây dựng lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Khôi nguyên La Mã (Giải thưởng danh giá dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội hóa, điêu khắc và kiến trúc). Qua lời kể của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, con trai của ông Ngô Viết Thụ, cha ông đã khéo léo gửi gắm thông điệp về chủ quyền của Việt Nam trong thiết kế tổng thể mặt tiền Dinh Độc Lập.
“Ý nghĩa triết tự đưa vào mặt tiền của Dinh Độc Lập, gồm có: Chữ “tam” ba nét ngang (viết nhân, viết minh, viết võ); thêm nét dọc là chữ “chủ” mang ý nghĩa nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam; trên cùng là chữ “trung” nhắc đến ý nghĩa là phải “trung với nước” và hình ảnh mặt tiền chung tạo thành chữ “hưng” thể hiện mong cầu của nhà thiết kế về đất nước hưng thịnh mãi”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, trong tầng sâu biểu tượng, Dinh Độc Lập chính là nơi kết tinh của ý chí hòa hợp, thống nhất, nơi quá khứ được tưởng niệm không phải để khơi lại. Đây là không gian của bản lĩnh Việt Nam, biết vượt lên nỗi đau, hóa giải khác biệt bằng tinh thần bao dung và biến ký ức lịch sử thành động lực để kiến tạo một quốc gia thống nhất về ý chí, đoàn kết trong hành động. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Dinh ngày nay cần đặt trong một chiến lược văn hóa hiện đại, nhằm làm sống lại biểu tượng chứ không chỉ “đóng khung” trong hoài niệm. “Dinh Độc Lập có thể trở thành một trung tâm giáo dục công dân, một không gian trải nghiệm di sản, nơi thế hệ trẻ được truyền cảm hứng để hiểu rằng hòa bình, thống nhất và hòa hợp không phải là điều đã xong, mà là hành trình cần tiếp tục nuôi dưỡng qua từng thế hệ”, Tiến sĩ Tạ Duy Linh nói.