Đoàn đánh giá độc lập chung theo tiêu chí WHO ghi nhận một số điểm mạnh của y tế Việt Nam
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh•26/07/2025 09:22
Tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn đánh giá độc lập chung (JEE) trong khuôn khổ đánh giá việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR 2005) tại Việt Nam từ ngày 21-25/7/2025.
Buổi tiếp có sự tham dự của lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trung tâm thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Về phía đoàn đánh giá độc lập chung có sự hiện diện của đồng Trưởng đoàn là bà Gina Samaan, Giám đốc Khẩn cấp Khu vực, Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (WPRO) và ông Marc Zheng Jie Ho, Giám đốc Chính sách và Hệ thống, Cơ quan Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm Singapore, cùng các chuyên gia đánh giá, quan sát viên và chuyên gia viết báo cáo.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.Về phía WHO tại Việt Nam, có sự tham dự của TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện; bà Jennifer Horton, Phó Trưởng Đại diện và các cán bộ nhóm An ninh Y tế và Tình trạng Y tế khẩn cấp cùng tham dự.Tại buổi làm việc, đoàn đánh giá JEE đã giới thiệu mục đích, phương pháp và kết quả sơ bộ của đợt đánh giá. Theo đó, đánh giá dựa trên Bộ công cụ JEE do WHO xây dựng, bao gồm 19 lĩnh vực kỹ thuật thuộc 4 nhóm vấn đề: Dự phòng, Phát hiện, Đáp ứng và Các mối nguy liên quan khác.Kết quả sơ bộ cho thấy không có lĩnh vực nào ở mức I (thấp nhất) hoặc đạt mức 5 (cao nhất). Có 9/19 lĩnh vực (47,4%) đạt mức II và 10/19 lĩnh vực (52,6%) đạt mức III. Trong tổng số 56 tiêu chí đánh giá, có 22 tiêu chí đạt mức II (39,2%), 30 tiêu chí đạt mức III (53,7%) và 4 tiêu chí đạt mức IV (7,1%).
TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện và bà Jennifer Horton, Phó Trưởng Đại diện và các cán bộ nhóm An ninh Y tế và Tình trạng Y tế khẩn cấp.
Kết quả đánh giá JEE 2025 đã ghi nhận những kết quả đạt được của Việt Nam kể từ JEE 2016 về các lĩnh vực Giám sát dịch bệnh; Năng lực ứng phó khẩn cấp; Cơ chế phối hợp liên ngành "Một sức khỏe"; Tỷ lệ bao phủ vắc xin...Đoàn đánh giá ghi nhận một số điểm mạnh của Việt Nam, trong nhóm 'Phòng ngừa', hệ thống luật pháp liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã được hoàn thiện, các cơ chế phối hợp "Một sức khỏe" và chương trình Tiêm chủng Mở rộng được củng cố.
Ở nhóm 'Phát hiện', hệ thống giám sát được nâng cao với cả giám sát chỉ số và sự kiện, mạng lưới phòng xét nghiệm được cải thiện, chương trình FETP được cập nhật.
Quang cảnh buổi tiếp.Trong nhóm 'Đáp ứng', năng lực xử lý tình trạng khẩn cấp được tăng cường thông qua các Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Y tế công cộng (PHEOC), hệ thống truyền thông nguy cơ được vận hành hiệu quả.Đối với các mối nguy liên quan khác, cơ chế phối hợp tại cửa khẩu và ứng phó với sự cố hóa chất, phóng xạ đã được cập nhật.Tuy nhiên, Đoàn cũng chỉ ra một số tồn tại như: Năng lực y tế công cộng tuyến xã còn hạn chế; phối hợp đa ngành cần thể chế hóa đầy đủ hơn; cơ chế tài chính cho ứng phó y tế khẩn cấp còn bất cập; một số kế hoạch ứng phó thiếu sự liên kết liên ngành; các quy trình chuẩn chưa được diễn tập định kỳ.Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thay mặt Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Y tế trân trọng cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đoàn đánh giá JEE đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá này."Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi xác định rõ những thành tựu để tiếp tục phát huy, đồng thời nhận diện những tồn tại, thách thức nhằm xây dựng các kế hoạch phù hợp, nâng cao năng lực đáp ứng trong tương lai"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói. Những khuyến nghị này giúp Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khắc phục những điểm yếu, nâng cao năng lực thực hiện điều lệ y tế quốc tế một cách hiệu quả và bền vững.
Đại diện cácVụ, Cục của Bộ Y tế phát biểu.
Trong thời gian tới, các hoạt động trọng tâm được đề xuất gồm: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực y tế công cộng, đặc biệt tuyến cơ sở; thúc đẩy phối hợp đa ngành qua khung đối tác "Một sức khỏe"; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là tham gia các thỏa thuận phòng, chống đại dịch toàn cầu và bảo đảm năng lực thực hiện IHR trong ASEAN.
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ thêm các khuyến nghị từ phía Đoàn đánh giá. Đại diện Bộ Y tế cũng đề xuất Đoàn JEE tiếp tục đánh giá toàn diện, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh Việt Nam và chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác để hỗ trợ Việt Nam cải thiện năng lực đáp ứng theo yêu cầu của IHR.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đại biểu và thành viên đoàn đánh giá tại Bộ Y tế.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.