Ghép phổi: Phương pháp điều trị ngoại khoa mang lại sự sống cho người bệnh

15:49 | 26/09/2022

Ghép phổi là một phẫu thuật lấy bỏ phổi bệnh và thay thế bằng phổi lành của người hiến. Ghép phổi thành công giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng suy hô hấp và cải thiện chất lượng sống.

Theo VTV News, mới đây thành tựu ghép tạng tại Việt Nam đã ghi nhận ca ghép phổi thành công toàn diện đầu tiên - khỏe mạnh sau 2 năm ghép.

Trường hợp này hiếm có trên thế giới. Đó là ca ghép phổi từ người cho chết não, do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện cách đây 2 năm. Hiện sức khỏe của người được ghép rất tốt với chức năng phổi hoạt động bình thường. Đó chính kết quả cho thấy đây là trường hợp được ghép phổi thành công toàn diện nhất.

Trong 2 năm qua, bệnh nhân được đội ngũ bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương theo dõi chặt chẽ, thăm khám định kỳ. Đặc biệt, thiết lập quy trình phục hồi chức năng phù hợp. Hiện sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không còn khó thở, chức năng hô hấp ổn định, phổi hoạt động tốt.

Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép phổi cách đây 2 năm. Ảnh: VTV News

Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép phổi cách đây 2 năm. Ảnh: VTV News

1. Ghép phổi là gì?

Ghép phổi là một phẫu thuật lấy bỏ phổi bệnh và thay thế bằng phổi lành của người hiến có thể từ người còn sống hoặc người chết. Tiến hành phẫu thuật ghép phổi có thể diễn ra ở một bên phổi hay cả hai bên.

Ghép phổi có thể tiến hành trên người từ trẻ sơ sinh đến người lớn dưới 65 tuổi. Đối với những trường hợp trên 65 tuổi cần cân nhắc những nguy cơ có thể xảy ra nếu tiến hành ghép phổi.

2.  Các phương pháp ghép phổi 

Ghép một phổi.

Ghép hai phổi.

Ghép hai bên tuần tự ở hai thời điểm khác nhau, còn gọi là ghép hai bên đơn lẻ.

Ghép tim phổi.

Đa số những trường hợp ghép phổi đều lấy từ người đã chết. Một số ít trường hợp lấy từ người sống, khỏe mạnh không hút thuốc và phù hợp miễn dịch với người nhận có thể cho một thùy phổi.

3. Đối tượng ghép phổi

Ghép phổi được chỉ định khi bệnh phổi tiến triển nặng và không thể điều trị bằng cách nào khác nữa hoặc cũng được cân nhắc đối với những trường hợp mà tình trạng suy hô hấp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Xơ phổi vô căn.

- Xơ nang phổi: Đây là một bệnh di truyền gây ra các vấn đề cho các tuyến tạo ra mồ hôi và chất nhầy. Bệnh tiến triển xấu đi dần theo thời gian và có thể dẫn tới tử vong.

- Tăng áp phổi nguyên phát: Làm tăng huyết áp ở các động mạch của hai phổi.

- Bệnh tim: Bệnh tim hay những bất thường của tim có thể ảnh hưởng đến phổi và cần phải ghép tim, phổi.

Ngoài ra, các bệnh gây tổn thương nặng cho phổi bao gồm: bệnh mô bào, bệnh sarcoid, bệnh bạch mạch cơ trơn... Rất hiếm những trường hợp ung thư phổi được điều trị bằng ghép phổi.

4. Người cho phổi - tim

Theo Cẩm nang MSD (Phiên bản dành cho các chuyên gia) gần như tất cả các phổi hiến tặng là từ người cho chết não, tim còn đập.

Phổi ghép từ người cho tim đã ngừng đập gọi là người cho sau chết tim, đang ngày càng được sử dụng vì phổi từ người cho phù hợp hơn hiện còn thiếu.

Hiếm khi, ghép thùy phổi từ người lớn còn sống (thường bố mẹ cho con) được thực hiện khi các phổi hiến từ người cho đã chết chưa sẵn có.

Người hiến phải < 65, chưa từng hút thuốc lá và không có bệnh phổi đang hoạt động với bằng chứng dựa vào:

+ Oxy hóa: Pao2/Fio2 (khi O2) > 250 đến 300, với Pao2 mm Hg và Fio2 ở dạng phân số thập phân (ví dụ: 0,5).

+ Sự giãn nở của phổi: Áp suất đỉnh thì hít vào < 30 cm H2O với thể tích khí lưu thông (VT) 15 mL/kg và áp suất dương cuối kỳ thở ra = 5 cm H2O.

+ Hình ảnh đại thể: Sử dụng nội soi phế quản.

Người cho và người nhận phải có sự tương hợp giải phẫu về kích cỡ (dựa trên X-quang ngực), sinh lý (dựa trên dung tích phổi toàn bộ) hoặc cả hai.

Với người hiến tim tất cả các quả tim được hiến từ người cho chết não thường đòi hỏi phải < 60 tuổi và có chức năng tim bình thường và không có tiền sử bệnh mạch vành hoặc các bệnh về tim khác. Người cho và người nhận phải có nhóm máu hòa hợp và kích thước tim phù hợp là rất quan trọng. Các thử nghiệm đã sử dụng bơm để bảo tồn tim trong quá trình vận chuyển, giúp cải thiện chức năng tim sau khi tái tưới máu.

Phổi của người cho và người nhận phải có sự tương hợp giải phẫu về kích cỡ. Ảnh minh họa: BVVĐ

Phổi của người cho và người nhận phải có sự tương hợp giải phẫu về kích cỡ. Ảnh minh họa: BVVĐ

5. Quy trình ghép phổi được thực hiện như thế nào?

5.1. Chuẩn bị

Trước khi ghép phổi, cần đánh giá bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa như: nội phổi, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực và gây mê hồi sức... Kiểm soát kỹ những bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp... nếu như người bệnh mắc phải. Ngoài ra, người bệnh còn được tư vấn và chuẩn bị tinh thần bởi bác sĩ tâm lý và tiến hành một số xét nghiệm cần thiết.

Những trường hợp không nên ghép phổi nếu như có kèm theo bệnh lý tim mạch hoặc gan thận nặng, nhiễm trùng chưa được không chế, nghiện rượu, ma túy và ung thư. Những trường hợp mà bệnh nhân không bỏ được thuốc lá cũng không ưu tiên ghép phổi.

5.2. Quy trình thực hiện

Tạng hiến được chống đông và được bảo quản trong dịch tinh thể lạnh có chứa prostaglandin được xả qua các động mạch phổi vào trong phổi. Các tạng hiến được làm lạnh với dịch muối đá tan chảy tại chỗ hoặc qua máy tim phổi nhân tạo, sau đó được lấy ra. Kháng sinh dự phòng thường được dùng.

Ghép một phổi

Ghép một phổi đòi hỏi phải mở ngực phía sau bên. Phổi của người nhận được lấy ra và phế quản, động mạch phổi, các tĩnh mạch phổi của phổi hiến tặng được nối với các đầu tương ứng của chúng. Điểm nối phế quản cần được phủ bên ngoài bởi mạc nối hoặc màng ngoài tim để kích thích nhanh lành vết thương.

Ưu điểm của ghép phổi bao gồm phẫu thuật đơn giản hơn, tránh phải dùng tim phổi nhân tạo và chống đông toàn thân (thường áp dụng), linh hoạt hơn về sự tương hợp kích thước và phổi bên đối diện của người cho được dành cho một người nhận khác.

Nhược điểm bao gồm sự không tương thích về khả năng thông khí/sự tưới máu giữa phổi người nhận và phổi ghép và khả năng liền vết thương kém của điểm nối một phế quản.

Ghép hai phổi

Phẫu thuật ghép hai phổi đòi phải mở ngực đường dọc xương ức hoặc đường ngang trước; phẫu thuật tương tự như hai lần ghép một phổi liên tiếp.

Ưu điểm chính là sự loại bỏ hoàn toàn cả hai phổi bệnh của người nhận.

Nhược điểm là sự liền vết thương tại điểm nối khí quản kém.

Ghép tim - phổi

Ghép tim - phổi đòi hỏi phải mở đường giữa ức với tim phổi nhân tạo. Cần các điểm nối động mạch chủ, nhĩ phải và khí quản; khí quản được nối liền ngay phía trên điểm chia hai phế quản.

Các ưu điểm chính gồm chức năng mô ghép được cải thiện và khả năng liền vết thương tại điểm nối khí quản khả quan hơn vì có các nhánh vành phế quản trong khối tim phổi.

Nhược điểm bao gồm thời gian phẫu thuật lâu với nhu cầu phải có tim phổi nhân tạo, nhu cầu hòa hợp cao về kích cỡ và sử dụng đến 3 tạng hiến bởi một cùng người nhận.

Theo các bác sĩ, sau khi ghép phổi xong, người bệnh cần được theo dõi để phòng ngừa những biến chứng. Một số cận lâm sàng được chỉ định theo dõi như: chụp X-quang, đo chức năng hô hấp, soi phế quản và thử máu. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh lý kèm theo của mỗi người. Một số người có thể xuất viện sau phẫu thuật một tuần. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Ngoài ra, bệnh nhân còn được tư vấn về các loại thuốc phải sử dụng sau khi ghép phổi và lịch tái khám định kỳ.

6. Biến chứng sau ghép phổi

Một số biến chứng sau ghép phổi có thể xảy ra như:

Tắc đường thở.

Phù phổi nặng, tràn dịch trong phổi.

Nhiễm trùng.

Chảy máu.

Tắc các mạch máu đi đến phổi mới một hoặc cả hai bên.

Đặc biệt, thải ghép phổi là nguy cơ lớn nhất sau phẫu thuật ghép phổi. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể khi xuất hiện mô lạ hay vật lạ. Hệ miễn dịch sẽ nhận khi một mô tạng được ghép vào cơ thể con người và tấn công vào tạng ghép. Lúc này người bệnh cần dụng thuốc nhằm đánh lừa hệ miễn dịch không tấn công vào tạng ghép, để tạng tiếp tục sống trong cơ thể mới.

7. Ghép phổi mang lại điều gì cho bệnh nhân?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), ghép phổi thành công giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng suy hô hấp và cải thiện chất lượng sống, quay trở lại các sinh hoạt và công việc bình thường như một liệu pháp hồi sinh. Có đến 80% các trường hợp ghép phổi thành công quay trở lại được các hoạt động thể lực và trong số các trường hợp sống sau ghép phổi từ 5 năm trở lên, có đến 40% có thể làm việc bán thời gian.

Tuy nhiên, một số biến  chứng vẫn có thể xảy ra. Tiến trình thải ghép có thể diễn ra từ từ, mà không thể dừng lại hoàn toàn. Việc sử dụng lâu dài các thuốc ức chế miễn dịch để chống lại quá trình thải ghép này cũng có thể dẫn tới các tổn thương gan - thận hoặc dễ bị nhiễm trùng. Do đó, thời gian sống thêm sau ghép phổi không được lâu so với ghép thận hoặc ghép gan. Tỷ lệ sống thêm 1 năm sau ghép phổi là 80%, tỷ lệ sống thêm sau 3 năm là từ 55% đến 70%. Độ tuổi khi được ghép phổi là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thời gian sống thêm.

8. Ghép phổi có được lựa chọn cho điều trị ung thư phổi?

Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết thêm, trước đây ung thư phổi được coi là “chống chỉ định tuyệt đối” của ghép phổi (nghĩa là phải tránh hoàn toàn) nhưng những năm gần đây, số ca ghép phổi cho ung thư phổi có tăng lên tuy rất ít.

Ghép phổi (một hay hai phổi) không phải là một lựa chọn thích hợp cho đa số bệnh nhân ung thư phổi. Lý do chính là trong đa số các trường hợp ung thư phổi, ung thư đã lan rộng tới các hạch bạch huyết ở các vùng xa của cơ thể, khi đó các điều trị toàn thân như hóa trị và các điều trị trúng đích mới là các lựa chọn hợp lý. Mặt khác, ung thư phổi có nguy cơ tái phát ngay tại phổi ghép trong các trường hợp được ghép phổi.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.