Giảm mức kỷ luật học sinh: Chỉ viết kiểm điểm có đủ tính răn đe?
Dự thảo mới về kỷ luật học sinh bỏ các hình thức cảnh cáo và đình chỉ học tập, mức cao nhất là viết bản kiểm điểm, khiến nhiều ý kiến lo ngại về tính răn đe và hiệu quả giáo dục trong nhà trường.

Theo cô Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), trường học là tập thể gồm hàng trăm, thậm chí cả nghìn học sinh. Vì vậy, dù đa số các em rất ngoan nhưng sẽ luôn luôn có những học sinh cá biệt, đặc biệt ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông, do đặc điểm sinh lý, các em có cá tính khá mạnh.Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề và nhiều năm làm công tác quản lý, cô Nga cho hay với những học sinh ngoan, đôi khi vì một lý do nào đó vi phạm khuyết điểm, khi bị yêu cầu viết bản tự kiểm điểm, các em sẽ ăn năn, nhận lỗi và sửa đổi. “Tuy nhiên, với những học sinh cá biệt thì biện pháp này có lẽ là chưa đủ,” cô Nga nói.Đây cũng là quan điểm của cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).“Giáo dục không kỷ luật là tốt nhất, ai cũng muốn giáo dục chỉ bằng tình yêu thương, nhưng với điều kiện số lượng học sinh cá biệt ít, sỹ số học sinh trên lớp ít để thầy cô có thể quan tâm, sát sao, chăm sóc tâm lý được đến từng học trò,” cô Hồng nói.Cô Hồng cho hay tại nhiều nước, lớp học chỉ 20-25 em trong khi hiện nay các trường đều có sỹ số gấp đôi, thậm chí lên đến hơn 50 em. Bên cạnh các học sinh cá biệt, các trường còn có các học sinh tự kỷ, tăng động học hòa nhập. Vì vậy, nếu chỉ viết bản kiểm điểm sẽ rất khó để rèn học sinh vào nề nếp. Khi đó, không chỉ không rèn được các học sinh cá biệt mà còn ảnh hưởng cả đến môi trường học tập của những học sinh khác.
