Giáo viên kiểm tra vùng kín của trẻ: Lo ‘vết sẹo’ tâm lý kéo dài
Vụ việc giáo viên mầm non bị tố cáo kiểm tra vùng nhạy cảm của trẻ ngay trước lớp đã gây ra làn sóng bức xúc trong dư luận, dấy lên lo ngại về sự an toàn và quyền riêng tư của trẻ tại các cơ sở giáo dục.
Giáo viên mầm non kiểm tra vùng nhạy cảm của trẻ gây phẫn nộ
Mấy ngày nay, dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin về hành vi bị cáo buộc của một giáo viên tại Trường Mầm non Ngôi nhà Ong Xinh (quận An Dương, TP. Hải Phòng). Theo phản ánh của phụ huynh, giáo viên này đã kiểm tra bộ phận sinh dục của con chị (3 tuổi) ngay tại phòng sinh hoạt chung, trước sự chứng kiến của các bạn cùng lớp.Ngay sau khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội, hành vi của giáo viên này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh. Mặc dù nhà trường đã chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên này, nhưng nhiều phụ huynh vẫn vô cùng bức xúc.Chị Lê Thanh Huyền (Hà Nội), một người mẹ có con đang học mầm non, không giấu nổi sự bức xúc: "Tôi thực sự không thể nghĩ một giáo viên lại có hành động như vậy. Chúng tôi gửi con đến trường để được yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ, tuyệt đối không phải để các con phải chịu những hành vi như vậy. Hành động của giáo viên đó rất phản cảm, xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của trẻ và đi ngược lại chuẩn mực đạo đức sư phạm".

"Vết sẹo" tâm lý âm ỉ và kéo dài
Sau sự việc này, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Diễm (Viện Tâm lý Giáo dục) đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tác động tâm lý mà hành vi này có thể gây ra cho trẻ.Theo chuyên gia, vùng kín là khu vực nhạy cảm và mang tính riêng tư tuyệt đối đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em ở độ tuổi mầm non. "Hành vi kiểm tra vùng nhạy cảm của trẻ trước mặt các bạn cùng lớp bởi một người lớn mà trẻ tin tưởng như giáo viên sẽ gây ra những tổn thương tâm lý vô cùng lớn và có thể âm ỉ kéo dài suốt quá trình phát triển của trẻ".Chuyên gia Vũ Diễm nhấn mạnh: "Hành động này không chỉ xâm phạm đến quyền riêng tư và sự tự chủ về cơ thể của trẻ mà còn có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, sợ hãi, lo lắng và mất lòng tin vào người lớn. Những "vết sẹo" tâm lý này nếu không được nhận diện và hỗ trợ kịp thời có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nhân cách, khả năng xây dựng mối quan hệ và sức khỏe tinh thần của trẻ trong tương lai".Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, chuyên gia Vũ Diễm đề xuất một số giải pháp đồng bộ và toàn diện:Nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giáo viên: Quy trình tuyển dụng cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt, với việc đánh giá kỹ lưỡng phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn và sự phù hợp với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chương trình đào tạo sư phạm cần được tăng cường các nội dung về đạo đức nhà giáo, quyền trẻ em, tâm lý lứa tuổi và các kỹ năng ứng phó với các tình huống nhạy cảm có thể xảy ra.Tăng cường công tác giám sát và kiểm tra: Các cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường tần suất và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở giáo dục mầm non. Điều này nhằm đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ trẻ em và phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm hoặc không đúng mực. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát ở các khu vực chung của trường học cũng có thể là một biện pháp hữu hiệu để tăng cường tính minh bạch và phòng ngừa các hành vi không phù hợp.
