‘Gùi’ tiếng Anh lên núi

Hoàng Trinh 10/04/2025 09:05

Dù là môn học bắt buộc nhưng ở các huyện vùng cao Nghệ An, nhiều trường học đến nay vẫn chưa có một giáo viên tiếng Anh nào.

Những năm gần đây, chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các huyện miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên với điều kiện giảng dạy còn nhiều hạn chế, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là "bài toán" nan giải nên nhiều người vẫn gọi môn tiếng Anh là "vùng trũng" ở miền núi.

Trường học "trắng" giáo viên tiếng Anh

Từ tháng 10/2024 đến nay, Trường PTDTBT Tiểu học Tri Lễ 2 (Quế Phong) "trống" giáo viên tiếng Anh do cô Lê Huyền xin chuyển công tác về xuôi để chăm sóc gia đình. Dù được tăng cường giáo viên từ cấp THCS, nhà trường vẫn gặp khó trong việc bố trí lịch học hợp lý, buộc phải dồn 4 tiết tiếng Anh vào 2 ngày cuối tuần, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp thu của học sinh tiểu học.

‘Gùi’ tiếng Anh lên núi- Ảnh 1.
Dù là môn học bắt buộc nhưng ở các huyện vùng cao Nghệ An, nhiều trường học đến nay vẫn chưa có một giáo viên tiếng Anh nào.

Hiện Tri Lễ 2 là một trong bốn trường tiểu học ở Quế Phong không có giáo viên tiếng Anh. Do thiếu giáo viên, trường không thể triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường dù phụ huynh và học sinh rất mong mỏi.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Quế Phong mà còn phổ biến tại các huyện miền núi khác. Tại Tương Dương, toàn huyện đang thiếu hơn 20 giáo viên tiếng Anh. Dù có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng số hồ sơ đăng ký rất ít. Một số trường như Tam Quang 1 và Lưu Kiền hiện không có giáo viên tiếng Anh chính thức, buộc phải nhờ tăng cường từ nhiều trường khác nhau.

Thực trạng thiếu giáo viên khiến việc học tiếng Anh ở các huyện miền núi bị gián đoạn nhiều năm. Chất lượng môn học này thấp rõ rệt so với các môn khác. Điểm trung bình tiếng Anh tại kỳ thi vào lớp 10 ở các trường miền núi Nghệ An chỉ đạt khoảng 2,9 - 3,6 điểm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn tỉnh (4,75 điểm).

‘Gùi’ tiếng Anh lên núi- Ảnh 2.
Giờ học tiếng Anh trực tuyến ở Trường Tiểu học Tam Quang 2 (huyện Tương Dương).

Nhiều học sinh vào lớp 10 với đầu vào gần như trống tiếng Anh, buộc giáo viên THPT phải "dạy lại từ đầu". Hệ quả là khi tiếng Anh trở thành môn tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn này tại các huyện miền núi cực kỳ thấp. Tại Trường THPT Kỳ Sơn chỉ có 13 học sinh lớp 12 chọn thi tiếng Anh, lớp 10 năm nay chỉ có 5 em.

Trước thực trạng này, ngành giáo dục Nghệ Antổ chức hội nghị toàn tỉnh để tìm giải pháp nâng chất lượng dạy học, đặc biệt là tiếng Anh ở các huyện miền núi. Sở GD&ĐT nhấn mạnh, cần có giải pháp đồng bộ, lâu dài, bắt đầu từ mầm non, tiểu học, và chú trọng đến việc bổ sung giáo viên, cải thiện điều kiện dạy học.

Vùng cao gặp khó, có miền xuôi hỗ trợ

Nhiều năm trước, Nghệ An là địa phương tiên phong cả nước với mô hình "phòng giúp phòng, trường giúp trường", sau phát triển thành "chuyên môn giúp chuyên môn". Năm nay, chương trình tiếp tục được mở rộng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học tại các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn.

Tại Trường Tiểu học Tam Quang 2 (Tương Dương), cô Ngân Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, giờ kiêm luôn vai trò "trợ lý" lớp tiếng Anh trực tuyến do cô Hồ Thị Huyền Trang từ Trường Tiểu học Đặng Sơn (Đô Lương) phụ trách. Cô Trang đảm nhận việc hỗ trợ học sinh, chuẩn bị thiết bị, kết nối Zoom, trong khi cô giáo vùng xuôi dạy từ xa, tập trung vào kỹ năng nghe – nói và vốn từ đơn giản qua trò chơi, bài hát.

‘Gùi’ tiếng Anh lên núi- Ảnh 3.
Thiếu giáo viên tiếng Anh đang là thực trạng chung, khiến cho việc phổ cập, dạy và học ở vùng cao đứng trước nhiều khó khăn suốt nhiều năm qua.

Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh khiến nhiều trường ở Tương Dương phải điều động, biệt phái giáo viên, dạy liên trường, tăng tiết. Việc học tiếng Anh với học sinh lớp 1 - 2 gần như là điều xa xỉ nếu không có sự tiếp sức từ các giáo viên vùng xuôi.

Tại Kỳ Sơn, các lớp học trực tuyến cũng diễn ra tương tự. Từ Trường Tiểu học Diễn Lâm 2 (Diễn Châu), cô Nguyễn Thị Hoài kết nối với 14 điểm trường tiểu học Kỳ Sơn dạy lớp 3, một lớp học "khổng lồ" quy tụ học sinh từ nhiều bản làng. Dù đường truyền chập chờn, sóng yếu, các cô giáo chủ nhiệm tại địa phương vẫn sát cánh cùng giáo viên trực tuyến để tiết học diễn ra trọn vẹn.

Cô Đặng Thị Ánh Nguyệt (Trường Tiểu học Diễn Phúc), giáo viên cốt cán, hiện dạy 2 trường, kiêm Tổng phụ trách Đội, vẫn xung phong dạy thêm lớp 5 cho học sinh Kỳ Sơn. "Gần như phải bắt đầu lại từ đầu vì các em chưa từng học bài bản. Nhưng thấy ánh mắt háo hức của học trò, chúng tôi lại có thêm động lực", cô Nguyệt chia sẻ.

Dù là chương trình tự nguyện, nhưng khi triển khai, đã có hàng chục giáo viên giỏi từ Đô Lương, Diễn Châu đăng ký tham gia. Từ những tiết học trực tuyến chập chờn sóng gió, họ gửi gắm tâm huyết, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Với mô hình "phòng giúp phòng – trưởng giúp trường – chuyên môn giúp chuyên môn", trong đó có nội dung hỗ trợ dạy học trực tuyến cho học sinh vùng cao. Đến nay, các địa phương như Diễn Châu, Đô Lương và TP Vinh "đỡ đầu" cho các trường ở ba huyện miền núi. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được triển khai bài bản và hiệu quả, vượt ra khỏi hỗ trợ cơ sở vật chất để tập trung vào việc chia sẻ chuyên môn và nhân lực.

Theo ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An, chương trình đã giúp học sinh vùng cao tiếp cận đầy đủ môn tiếng Anh từ bậc tiểu học, đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên học hỏi, nâng cao trình độ. Mô hình này cũng được nhân rộng trong nội bộ các huyện thông qua việc dạy học liên trường, liên cụm và tổ chức tiết học kết nối giữa các trường.

Từ năm học 2022 – 2023, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc từ lớp 3, góp phần nâng cao năng lực học sinh và rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.

Tại Nghệ An, việc triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức, nhất là thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Để khắc phục, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện chủ trương gom học sinh từ các điểm lẻ về trường chính, xây dựng trường bán trú nhằm đảm bảo việc dạy và học các môn mới.

Sau 4 năm, số trường phổ thông dân tộc bán trú tăng từ 44 lên 83 trường, số điểm trường lẻ giảm từ 417 xuống 322. Đến nay, hơn 99% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trong toàn tỉnh đã được học tiếng Anh – tăng hơn 31.000 em so với 4 năm trước, chủ yếu ở khu vực miền núi.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/gui-tieng-anh-len-nui-169250410085935653.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/gui-tieng-anh-len-nui-169250410085935653.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        ‘Gùi’ tiếng Anh lên núi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO