Hai ca mắc viêm não Nhật Bản B ở Quảng Ninh đều có triệu chứng sốt, đau đầu
Đức Tùy•19/07/2025 11:37
Hai ca mắc viêm não Nhật Bản B dưới 18 tuổi và đều xuất hiện triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu; không rời khỏi địa phương trước khi khởi bệnh. Tuy nhiên khu vực 2 bệnh nhân sinh sống có nhiều muỗi, nước đọng, cây cối rậm rạp.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC) đã ghi nhận 2 ca bệnh dương tính với viêm não Nhật Bản B tại địa phương từ mẫu bệnh phẩm do Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh gửi đến.Cả 2 trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 18 tuổi, đều có những dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau đầu giống như cảm cúm, ốm thông thường, dễ khiến gia đình chủ quan, tự điều trị tại nhà, dẫn tới tình trạng chuyển nặng.Trường hợp thứ nhất: cháu D.T.X (8 tuổi, xã Tiên Yên) bắt đầu bị đau đầu, mệt mỏi và gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Sau vài ngày, bé xuất hiện tình trạng liệt nửa người, lơ mơ, phải thở máy, xét nghiệm khẳng định dương tính với viêm não Nhật Bản. Hiện tại, bệnh nhi đã cai máy thở, có tiến triển nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng.
Trường hợp thứ hai: cháu Đ.T.K.L (17 tuổi, xã Quảng Hà) cũng xuất hiện sốt cao, đau đầu, co giật, nôn, lơ mơ. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm và khẳng định dương tính với viêm não Nhật Bản. Hiện tình trạng bệnh nhi đã ổn định hơn, đang tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lực lượng y tế phun hóa chất diệt muỗi nơi gia đình bệnh nhân sinh sống.Điều đáng lưu ý, cả hai bệnh nhân đều không rời khỏi địa phương trước khi khởi bệnh. Khu vực sinh sống có nhiều muỗi, nước đọng, cây cối rậm rạp, là nơi muỗi truyền bệnh sinh sôi mạnh.Ngay khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý dịch. Phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương điều tra, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.Truyền thông hướng dẫn người dân nhận biết triệu chứng, phòng tránh muỗi đốt, chủ động tiêm phòng vaccine viên não Nhật Bản B cho trẻ trong độ tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Khuyến cáo khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm, chẩn đoán sớm, hạn chế tối đa dịch bùng phát và lan rộng.Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính lây qua muỗi đốt (muỗi Culex), không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh có thể gây tổn thương não nặng, để lại di chứng liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ hoặc tử vong nếu không được phát hiện, điều trị sớm.Theo đại diện Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh, viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề ở trẻ nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Thời tiết nóng ẩm xen kẽ các đợt mưa rào tạo điều kiện cho muỗi Culex - véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản - sinh sôi mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng, đặc biệt ở trẻ em".Các triệu chứng của viêm não Nhật Bản B dễ nhầm với cảm sốt thông thường. Cụ thể, thời điểm bệnh khởi phát thường với: sốt cao đột ngột, đau đầu nhiều; nôn, buồn nôn. Khi bệnh nặng hơn sẽ co giật, lơ mơ, hôn mê; cứng gáy, liệt tay chân. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ.Do đó, cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản mùa hè: Tiêm đầy đủ và đúng lịch vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Ngủ màn, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa. Loại bỏ nơi muỗi sinh sản: phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh chuồng trại, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng quanh nhà. Chủ động theo dõi sát trẻ khi bị sốt, đưa trẻ đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
Cách phòng bệnh viên não Nhật Bản: Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, tiêm nhắc đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngủ màn, diệt muỗi, loại bỏ dụng cụ chứa nước tù đọng quanh nhà, phát quang bụi rậm. Giữ vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, khơi thông cống rãnh. Khi trẻ sốt cao kèm đau đầu, co giật, lơ mơ, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, không tự điều trị tại nhà
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.