Học phí theo thu nhập bình quân đầu người: Liệu có phù hợp với mọi gia đình?
Đề xuất giới hạn học phí đại học công lập tối đa 50% thu nhập bình quân đầu người đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Phụ huynh lo ngại học phí tăng cao, vượt khả năng chi trả, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của con em.
Đề xuất tính học phí đại học công lập theo thu nhập bình quân đầu người
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học 2018 (Luật số 34). Tại buổi tọa đàm, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các trường đại học 20 nội dung được đề xuất sửa đổi. Trong đó, nội dung được đề xuất là cơ sở giáo dục đại học được tự chủ xác định mức học phí, gắn với cam kết chất lượng đào tạo; đối với trường công lập, mức học phí không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người.Bộ GD&ĐT lý giải tự chủ học phí là một phần của cơ chế tự chủ đại học và cần thiết để các trường nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần có giới hạn phù hợp để tránh gánh nặng tài chính cho người học, đặc biệt ở các trường công lập. Hiện chưa có quy định mang tính nguyên tắc về mức trần học phí so với thu nhập người dân.Nhiều ý kiến trái chiều
Ngay sau khi thông tin về đề xuất được lan tỏa, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc liệu cơ chế mới này có thực sự mang lại sự ổn định hay ngược lại, đẩy chi phí học đại học lên một tầm cao mới, xa vời với khả năng tài chính của nhiều gia đình.Anh Cao Hải Quân, một phụ huynh có con đang học cấp THPT tại Hà Nội, không giấu được sự lo lắng: "Với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước tính khoảng 120 triệu đồng, nếu áp dụng mức trần 50%, học phí một năm có thể lên tới 60 triệu đồng. Đây là một con số quá lớn, đặc biệt đối với những gia đình có thu nhập trung bình, thấp hoặc những nhà có nhiều con đang tuổi ăn học. Tôi thực sự lo lắng không biết gia đình mình có thể gánh nổi không".Cùng chung nỗi lo, chị Trần Thu Hằng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con đang tuổi đến trường bày tỏ: "Thu nhập bình quân chỉ là một con số thống kê, nó không phản ánh đúng thực tế thu nhập của phần lớn người dân. Nếu cứ dựa vào con số này để áp đặt mức trần học phí, chúng tôi lo gia đình sẽ "vượt ngưỡng" chi trả. Hơn nữa, việc học phí có thể biến động theo chỉ số thu nhập bình quân sẽ khiến gia đình tôi rất khó khăn trong việc lên kế hoạch tài chính dài hạn cho việc học của các con".
