Hơn 81,5% số người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng qua tài khoản
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tại kỳ chi trả tháng 7/2025, toàn quốc có 81,5% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân, tăng 6,5% so với cuối năm trước.

Việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VNeID sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tổ chức. Cụ thể như: Người dân không còn phải lo bảo quản các hồ sơ KCB sau mỗi lần đi khám, không lo mất hay quên giấy chuyển tuyến cho mỗi lần chuyển viện hay giấy hẹn khám lại cho mỗi lần đi khám chữa bệnh. Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân….
Về công tác triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 100,2 triệu thông tin công dân trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 91 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 99,23% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.Việc đồng bộ, xác thực số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư đã giúp làm giàu, làm sạch, chuẩn hóa CSDL của hai Ngành BHXH và Công an. Sau khi hoàn thành việc thu thập, cập nhật, xác thực 100% người tham gia với CSDL quốc gia về dân cư, BHXH Việt Nam sẽ dần chuyển sang sử dụng số định danh cá nhân của người tham gia thay cho mã số BHXH. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý con người, tạo nền tảng cho việc kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.Về triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: toàn hệ thống BHXH đã xử lý 1.901.033 hồ sơ, gồm: 1.880.742 hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi; 19.672 hồ sơ giải quyết chế độ mai táng phí và 619 hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất. Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam đã tạo ra tiện ích rất quan trọng, là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện DVC trực tuyến toàn trình đối với 02 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng (trước đây người dân buộc phải đến UBND xã, phường để nộp bản giấy của giấy chứng sinh, giấy báo tử khi làm thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai tử).Việc triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp trong Đề án số 06 đã giúp BHXH Việt Nam tối ưu hóa việc sử dụng và khai thác CSDL quốc gia. Nhờ đó, toàn hệ thống đã và đang góp phần hiệu quả vào công tác giải quyết và chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia một cách kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Mục tiêu cuối cùng của những nỗ lực này là mang lại những lợi ích và tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong mọi giao dịch với cơ quan BHXH. Sự chuyển đổi số mạnh mẽ này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thể hiện cam kết của ngành BHXH trong việc phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.