Khi điều dưỡng viên, kỹ thuật y trở thành bạn tâm tình và 'người nhà' của người bệnh
Trong bệnh viện, nơi mà nỗi đau và hi vọng luôn song hành, điều dưỡng viên, kỹ thuật y không chỉ là người thực hiện các thủ thuật y khoa hay hỗ trợ bác sĩ mà còn là người bạn tâm tình, là chỗ dựa tinh thần, thậm chí trở thành 'người thân' của người bệnh trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, những câu chuyện xúc động về tình người giữa điều dưỡng viên, kỹ thuật y và người bệnh chính là minh chứng sống động cho vai trò không thể thay thế của họ trong hệ thống y tế hiện đại.

Gần 30 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng viên Nguyễn Văn Nhiên (Khoa Điều trị hóa chất) vẫn nhớ mãi một kỷ niệm bất ngờ: Trong một lần đi thăm bạn ở tỉnh xa, anh tình cờ gặp một người thanh niên có vẻ ngoài bặm trợn tại bến xe. Người này bất ngờ cất tiếng chào và giới thiệu là con trai của một người bệnh từng điều trị tại khoa 3 năm trước.Người con bộc bạch: "Hồi đó mẹ em rất bi quan, không chịu điều trị. Chính nhờ các bác sĩ, điều dưỡng viên động viên, chăm sóc tận tình, bà mới hợp tác. Giờ mẹ em vẫn khỏe mạnh, gia đình em biết ơn mãi".Những câu chuyện tưởng như nhỏ bé ấy lại chứa đựng ý nghĩa to lớn: tình cảm của người bệnh và gia đình không chỉ dành cho bác sĩ, mà còn gửi gắm đến đội ngũ điều dưỡng – những người ở bên người bệnh nhiều nhất, lặng lẽ nhưng đầy trách nhiệm và yêu thương.Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiện có 665 điều dưỡng viên, kỹ thuật y, chiếm hơn 60% tổng số cán bộ, nhân viên của Viện. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia vào toàn bộ quy trình tiếp đón, khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Trong đó, nhiều người có trình độ cao với 2 Tiến sĩ, 34 Thạc sĩ, 11 người tốt nghiệp chuyên khoa I và hơn 50% điều dưỡng, kỹ thuật viên có bằng đại học.Theo ThS.Bùi Ngọc Dũng, Trưởng phòng Điều dưỡng - Kỹ thuật viên, vai trò của điều dưỡng viên, kỹ thuật y hiện nay đã có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Không còn chỉ là người thực hiện các y lệnh mà họ đã được trao quyền vàchủ động hơn trong công việc chuyên môn, trong theo dõi và chăm sóc người bệnh. ThS. Lê Xuân Thịnh, Kỹ thuật viên trưởng Ngân hàng Tế bào gốc của Viện, cho biết: "Kỹ thuật y hiện không chỉ làm nhiệm vụ xử lý mẫu và trả kết quả, mà còn trực tiếp tham gia quá trình chẩn đoán, điều trị, đào tạo, xây dựng quy trình kỹ thuật và thực hiện nghiên cứu khoa học".
Thực tế, các điều dưỡng viên, kỹ thuật y tại Viện đã làm chủ nhiệm hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh…

Những đóng góp quan trọng, đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật y của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen, giấy khen; đặc biệt có 8 cán bộ nhân viên của Viện được Chủ tịch nước trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, nhiều người được bổ nhiệm, giao giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, quan trọng.

Với điều dưỡng Nhiên, kỹ thuật viên Thịnh hay như hàng trăm người đồng nghiệp khác trong Viện, niềm tin yêu từ người bệnh chính là động lực để họ giữ được "lửa nghề" qua năm tháng.Trong họ luôn hiện hữu một khát vọng được chăm sóc người bệnh tốt hơn mỗi ngày. Được học hỏi, phát triển không ngừng để không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thấu hiểu và sẻ chia – những điều làm nên hình ảnh một điều dưỡng viên, kỹ thuật y toàn diện trong y học hiện đại.