Khuyến nghị gì về chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam?
Việt Nam hiện vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lại ở nhóm thấp nhất.
Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại củathuốc lácho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm.Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% xuống còn 1,9%; tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.Đây là những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy vậy, theo đánh giá, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Khuyến nghị gì cho chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam?
Với kỳ họp Quốc hội thảo luận về điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt sắp diễn ra, Việt Nam đang có cơ hội quan trọng để giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách bằng cách thực hiện một chính sách thuế thuốc lá mạnh mẽ và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, các khuyến nghị về chính sách thuế thuốc lá bao gồm:Áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp với mức thuế tuyệt đối đủ mạnh, tăng theo lộ trình rõ ràng và phù hợp với mức thu nhập chuyển đổi từ hệ thống thuế tỷ lệ hiện tại sang hệ thống thuế hỗn hợp, bao gồm thuế tuyệt đối đủ mạnh để hạn chế tiêu dùng thuốc lá.Phương án thuế do Bộ Y tế và WHO khuyến nghị là áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp bao gồm thuế tỷ lệ đạt 75% giá bán lẻ và thuế tuyệt đối tăng lên ít nhất 5.000 đồng mỗi bao thuốc vào năm 2026 và tăng dần theo lộ trình tới 15.000 đồng mỗi bao vào năm 2030 để đảm bảo giá thuốc lá không trở nên rẻ hơn theo thời gian.Thuế tuyệt đối phải đủ mạnh để đảm bảo tác động đủ lớn và lâu dài. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy thuế hỗn hợp giúp giảm tiêu thụ thuốc lá đáng kể đồng thời tăng nguồn thu ngân sách ổn định. Định kỳ điều chỉnh mức thuế theo lạm phát và mức tăng thu nhập bình quân để duy trì hiệu quả chính sách trong dài hạn.Hướng nguồn thu thuế thuốc lá vào các chương trình y tế và phát triển xã hội.Sử dụng nguồn thu từ thuế thuốc lá để tài trợ cho các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa, truyền thông và điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá nhằm giảm chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật cho quốc gia.Giáo dục và hỗ trợ nông dân và người lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá chuyển đổi việc làm sang các ngành bền vững hơn. Xây dựng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, thân thiện với môi trường.Cung cấp chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghiệp xanh và nông nghiệp bền vững để đảm bảo sinh kế ổn định cho lao động trong ngành thuốc lá.
