Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phép thử đầu tiên của Chương trình GDPT 2018
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, phép thử đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 vừa khép lại. Đây là cột mốc quan trọng với hàng triệu học sinh, lần đầu thi theo chương trình mới. Với đổi thay về đề thi và tác động từ Thông tư 29, kỳ thi hé lộ bức tranh giáo dục đa chiều về cơ hội và thách thức.
Kỳ 1: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - Phép thử đầu tiên của Chương trình GDPT 2018
Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ra đời với tầm nhìn chiến lược: chuyển dịch từ việc truyền thụ kiến thức hàn lâm, ghi nhớ máy móc sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Mục tiêu này nhấn mạnh việc học sinh không chỉ nắm vững "cái gì" mà quan trọng hơn là "để làm gì" và "làm như thế nào".Các phẩm chất cốt lõi như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo được đặt lên hàng đầu, hướng tới đào tạo công dân toàn diện, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.Với vai trò thước đo đầu ra của quá trình đổi mới này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, theo mục tiêu của Bộ GD&ĐT, được kỳ vọng không chỉ đánh giá kiến thức nền tảng mà còn kiểm định khả năng vận dụng, tư duy phản biện, và giải quyết tình huống thực tiễn của học sinh. Đây là một sự chuyển đổi mang tính chiến lược, phản ánh rõ mục tiêu đào tạo của chương trình mới.Khác biệt từ gốc rễ - Chương trình GDPT 2018 và tầm nhìn dài hạn
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) nhận định sau khi theo dõi phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: "Kỳ thi năm nay đạt nhiều điểm tích cực, từ đề thi đến phổ điểm, qua đó tạo nền tảng tốt cho công tác tuyển sinh đại học và phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương. Mừng nhất là môn Toán năm nay đã thể hiện đúng vai trò của một môn khoa học tự nhiên, mang tính phân loại rõ ràng, giúp phân định rõ học sinh khá – giỏi – xuất sắc, rất phù hợp với định hướng giáo dục STEM và tuyển sinh khối kỹ thuật".

Điểm mới trong cấu trúc và hình thức thi
Kỳ thi năm nay thí sinh chỉ phải thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế & Pháp luật, Tin học, Công nghệ).Theo cô Trần Việt Hồng – giáo viên Toán Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) cho biết, đề thi được thiết kế để không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá khả năng vận dụng, tư duy logic, phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề. Câu hỏi sẽ gắn kết hơn với các tình huống, vấn đề thực tiễn, khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập và sáng tạo."Việc giảm số môn thi tốt nghiệp THPT là bước đi quan trọng, cần thiết giúp giảm tải áp lực cho học sinh. Thay vì dàn trải, các em có thể tập trung sâu hơn vào môn học định hướng nghề nghiệp hoặc sở trường. Điều này không chỉ giúp các em học hiệu quả hơn, phát huy năng lực, mà còn giảm gánh nặng tâm lý, tài chính gia đình, đặc biệt khi không còn phải chạy đua học thêm tràn lan. Về lâu dài, thay đổi này định hướng giáo dục phổ thông theo hướng thực chất, linh hoạt, gắn liền với nghề nghiệp", cô Hồng nói.Tuy nhiên, cô Hồng cũng chỉ ra, áp lực mới là việc chuyển dịch sang việc làm quen với cấu trúc đề thi mới, đòi hỏi tư duy với các bài toán thực tế ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, không còn là những bài toán 'khuôn mẫu' như trước. Giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, cách ra đề kiểm tra thường xuyên theo hướng này.Về hình thức, môn Ngữ văn tiếp tục thi tự luận, khuyến khích khả năng lập luận, cảm thụ và diễn đạt. Các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan, đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chấm thi. Đặc biệt, cấu trúc đề thi nhấn mạnh tăng cường các câu hỏi vận dụng, liên hệ thực tiễn, thay vì chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết đơn thuần. Mục tiêu là kiểm tra năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh, thay vì chỉ đơn thuần khả năng ghi nhớ. Tính phân hóa của đề thi cũng được chú trọng nhằm giúp các trường đại học tuyển chọn thí sinh ưu tú, phù hợp yêu cầu đào tạo chuyên sâu.PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh sau khi phân tích phổ điểm: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực, có tính phân hóa rất rõ ràng. Điều này giúp các trường đại học, đặc biệt là các ngành học cạnh tranh cao, có cơ sở tốt để tuyển chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc, phù hợp với yêu cầu đào tạo chuyên sâu và chất lượng cao, đồng thời cũng phản ánh đúng năng lực của người học theo Chương trình GDPT 2018".Kỳ vọng và thách thức song hành – Những vấn đề từ thực tiễn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã nhận được rất nhiều kỳ vọng từ xã hội. Liệu đây có phải là bước đột phá giúp "cởi trói" cho học sinh khỏi áp lực học thuộc lòng, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy độc lập? Liệu kỳ thi có thực sự phản ánh đúng năng lực và phẩm chất mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới, hay vẫn còn đó những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ?
