'Lá chắn' nào bảo vệ học sinh khỏi bạo hành từ giáo viên?

Đỗ Vi 08/04/2025 06:30

Liên tiếp các vụ việc giáo viên bạo hành trẻ em gây phẫn nộ dư luận, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ luỵ cho tâm lý của trẻ hiện tại và sau này.

Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc trước hàng loạt vụ việc giáo viên có hành vi bạo lực, xâm phạm thân thể và tinh thần trẻ em. Từ vụ việc ba giáo viên Trường Mầm non Học viện Anh-Xtanh (Hà Nội) bị buộc thôi việc vì đánh trẻ 3 tuổi, đến hình ảnh học sinh tiểu học ở Bắc Giang bầm tím tay tố cáo bị cô giáo phạt, hay vụ bảo mẫu ở Tiền Giang dùng tay đánh mạnh vào đầu trẻ đang ngủ...

Những hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo mà còn gây ra những tổn thương sâu sắc, khó lành cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

'Lá chắn' nào bảo vệ học sinh khỏi bạo hành từ giáo viên?- Ảnh 1.
Học sinh lớp 1 nghi bị cô giáo đánh bầm tím tay vì viết chữ xấu.

"Vết sẹo" học đường ám ảnh tương lai

ThS. Tâm lý Vũ Thị Ngọc Ánh, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường với hơn 15 năm kinh nghiệm nhận định: "Bạo hành học đường, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều để lại những "vết sẹo" tâm lý vô hình nhưng vô cùng sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ. Các em có thể trở nên rụt rè, tự ti, sợ hãi đến trường, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học tập, giao tiếp và hình thành nhân cách sau này".

Theo ThS. Vũ Thị Ngọc Ánh, hành vi bạo hành của một bộ phận giáo viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp như: Áp lực công việc và cuộc sống; thiếu kỹ năng quản lý lớp học và kiểm soát cảm xúc; nhận thức lệch lạc về kỷ luật; ảnh hưởng từ môi trường làm việc; vấn đề cá nhân…

Ngăn chặn bạo hành học sinh: Không còn là "chuyện riêng"

Để ngăn chặn tận gốc vấn nạn bạo hành học đường, ThS. Vũ Thị Ngọc Ánh đề xuất một hệ thống các giải pháp đồng bộ, tập trung vào cả phòng ngừa và can thiệp:

Đầu tiên, cần nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm: Các trường sư phạm cần chú trọng trang bị cho sinh viên sư phạm không chỉ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn các kỹ năng sư phạm tiên tiến, đặc biệt là kỹ năng quản lý lớp học tích cực, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng giao tiếp hiệu quả và kỹ năng kiểm soát cảm xúc cá nhân. Cần có những học phần chuyên sâu về tâm lý học lứa tuổi và các phương pháp giáo dục nhân văn.

Thứ hai, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên: Các sở, phòng giáo dục cần tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng định kỳ cho giáo viên về các phương pháp giáo dục tích cực, kỹ năng ứng phó với các tình huống sư phạm khó khăn, kiến thức về quyền trẻ em và tác hại của bạo hành. Cần tạo diễn đàn để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Ban giám hiệu các trường cần tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, nơi giáo viên cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và hỗ trợ. Cần có cơ chế để giáo viên chia sẻ những khó khăn, áp lực trong công việc và nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

'Lá chắn' nào bảo vệ học sinh khỏi bạo hành từ giáo viên?- Ảnh 2.
Hình ảnh cô giáo bạo lực với trẻ mầm non tại Trường Mầm non Học viện Anh-Xtanh Ảnh: Trích xuất từ camera.

Mỗi trường cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa, trong đó quy định rõ ràng về những hành vi được phép và không được phép của cả giáo viên và học sinh. Cần có cơ chế giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Sau đó, các cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ trẻ em trong trường học. Cần có đường dây nóng và quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi bạo hành một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngoài ra, cũng cần giáo dục cho học sinh về quyền của các em và cách để lên tiếng khi bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo hành. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức để nhận biết các dấu hiệu con em mình bị bạo hành và biết cách can thiệp, bảo vệ con.

Việc đẩy mạnh vai trò của tư vấn tâm lý học đường cũng rất quan trọng. Các trường học cần có đội ngũ chuyên viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, có khả năng hỗ trợ cả học sinh và giáo viên trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý, kiểm soát cảm xúc và xây dựng mối quan hệ tích cực.

Cuối cùng, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm: Bất kỳ hành vi bạo hành nào của giáo viên đối với học sinh cần phải được điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm minh không chỉ bảo vệ quyền lợi của nạn nhân mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa các trường hợp tương tự xảy ra.

"Ngăn chặn bạo hành học đường là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn hệ thống giáo dục, gia đình và xã hội. Chỉ khi chúng ta xây dựng được một môi trường học đường an toàn, thân thiện, tôn trọng và nhân văn, chúng ta mới có thể thực sự bảo vệ và phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước", ThS. Vũ Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.


Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/la-chan-nao-bao-ve-hoc-sinh-khoi-bao-hanh-tu-giao-vien-169250408081646903.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/la-chan-nao-bao-ve-hoc-sinh-khoi-bao-hanh-tu-giao-vien-169250408081646903.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        'Lá chắn' nào bảo vệ học sinh khỏi bạo hành từ giáo viên?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO