Sau khi biết điểm thi vào lớp 10 công lập Hà Nội, nỗi lo lắng len lỏi trong nhiều gia đình khi cánh cửa trường công khép lại. Tuy nhiên, đây cũng là lúc cần bình tĩnh tìm hướng đi mới cho con.
Loay hoay tìm hướng đi cho con
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, kỳ thi vào lớp 10 được ví như một "cuộc chiến" căng thẳng, nơi học sinh phải cạnh tranh gay gắt để giành suất vào trường công lập.Năm nay, trong số khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS ở Hà Nội, có hơn 103.456 em đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho các trường công lập không chuyên là 75.670 học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn học sinh phải tìm kiếm các lựa chọn khác như trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hay trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo chương trình 9+. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập tại Hà Nội năm nay chiếm khoảng 64% so với số dự thi, cao hơn năm trước khoảng 2%.
Áp lực không chỉ đến từ bản thân các em với kỳ vọng về tương lai, mà còn từ gia đình, bạn bè và cả những định kiến xã hội. Chị Phạm Thu Thủy, có con vừa thi vào lớp 10 tại quận Hà Đông, chia sẻ trong sự lo lắng: "Từ khi con bắt đầu ôn thi, tôi đã thấy cháu ít nói hẳn, nhiều lúc thức khuya học bài đến xanh xao. Giờ biết điểm rồi, dù con đã cố gắng hết sức nhưng không đủ điểm vào trường công lập. Con bé buồn lắm, cứ nhốt mình trong phòng từ tối qua đến nay, không muốn nói chuyện với ai".
Ảnh minh hoạ.Thực tế cho thấy, không ít học sinh đã phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, hoặc thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực khi kết quả thi không như mong đợi. Sự thất bại (theo cách nhìn của các em và gia đình) trong một kỳ thi quan trọng bậc nhất ở lứa tuổi này có thể gây ra những sang chấn tâm lý kéo dài nếu không được quan tâm đúng mức.Ngoài ra, nỗi lo về tài chính và định hướng tương lai cũng đè nặng lên vai phụ huynh. Một phụ huynh khác bày tỏ: "Khi xem kết quả, con đã không thể vào trường công lập. Với mong muốn con vào công lập vì chi phí hợp lý và chất lượng giáo dục ổn định, nên giờ đây mọi kế hoạch dường như bị đảo lộn. Gia đình đang khá bối rối vì chưa biết lựa chọn con đường nào cho con khi cánh cửa này khép lại, bởi với trường tư thục thì tài chính không đủ, còn trường nghề thì không biết trường nào sẽ phù hợp. Tôi lo chọn sai sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cháu".
Lời khuyên từ chuyên gia
Theo ThS. Vũ Diễm, chuyên gia tư vấn giáo dục và tâm lý học đường, đây là thời điểm quan trọng để gia đình nhìn nhận lại một cách khách quan và bình tĩnh. "Việc không đỗ trường công lập không có nghĩa là con đường học tập của các em đã khép lại. Ngược lại, đây có thể là cơ hội để khám phá những lựa chọn phù hợp hơn với năng lực và sở thích của từng cá nhân".ThS. Vũ Diễm phân tích thêm, độ tuổi 15-16 là giai đoạn tâm sinh lý các em có nhiều biến động. Các em chưa đủ trưởng thành để đối diện với áp lực lớn, đặc biệt là áp lực từ kỳ vọng của người lớn. Khi kết quả không như ý, các em dễ cảm thấy thất bại, mất niềm tin vào bản thân. Điều quan trọng là gia đình và nhà trường cần nhận biết sớm các dấu hiệu và có sự hỗ trợ kịp thời.Trong những ngày này, vai trò của gia đình trở nên vô cùng quan trọng. Thay vì đặt nặng điểm số hay so sánh con với "con nhà người ta", cha mẹ cần là điểm tựa vững chắc để con vượt qua giai đoạn khó khăn. Hãy dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con, để con biết rằng cha mẹ luôn ở bên cạnh, dù kết quả có ra sao.Tuyệt đối không đổ lỗi, không chỉ trích, bởi điều này chỉ khiến các em thêm mặc cảm và tự ti. Thay vào đó, hãy định hướng đa dạng, giúp con nhìn nhận rằng kỳ thi lớp 10 không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Hà Nội hiện có rất nhiều lựa chọn giáo dục khác như trường THPT ngoài công lập chất lượng cao, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề... Mỗi con đường đều có những ưu điểm riêng, quan trọng là phù hợp với năng lực và sở thích của con.Cuối cùng, hãy động viên và khích lệ, khen ngợi những nỗ lực của con trong suốt quá trình ôn thi, bất kể kết quả cuối cùng, gieo vào con sự tự tin rằng con luôn có giá trị và năng lực ở nhiều lĩnh vực khác."Kỳ thi lớp 10 năm 2025 đã kết thúc. Giờ là lúc chúng ta không chỉ nhìn vào những con số khô khan mà còn quan tâm sâu sắc hơn đến cảm xúc và tâm lý của những cô cậu học trò vừa trải qua một chặng đường đầy thử thách. Hãy để các em biết rằng, dù kết quả có thế nào, cánh cửa tương lai vẫn luôn rộng mở, và quan trọng hơn cả, các em luôn có những người thân yêu ở bên để nâng đỡ và đồng hành trên mọi nẻo đường sắp tới", ThS. Vũ Diễm dành lời khuyên.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.