- Các đối tượng lừa đảo thường thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng vào những khung giờ bị hại thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán.
Thống kê từ danh sách 72 website mới được phát hiện giả mạo sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử, các thương hiệu lớn và giả mạo website cơ quan, tổ chức Nhà nước của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận trong tháng 1/2025, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh...
Theo cảnh báo của Viettel Post, dấu hiệu để khách hàng nhận biết lừa đảo là: Không có thông tin đơn hàng (nhận bưu kiện mà trước đó không có thông tin đặt hàng hoặc xác nhận từ người gửi); nhân viên giao hàng không có đồng phục hoặc giấy tờ xác minh (Shipper không mặc đồng phục, không có thẻ nhân viên hoặc thông tin liên lạc rõ ràng); yêu cầu thanh toán tiền mặt bất thường (Đối tượng yêu cầu thanh toán gấp mà không cho kiểm tra hàng).
Đề cập đến xu hướng tấn công mạng thời gian tới, các chuyên gia bảo mật đều có chung nhận định thời gian tới, các chiến dịch tấn công lừa đảo, giả mạo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, công nghệ AI sẽ được các nhóm tấn công tận dụng để xây dựng chiến dịch giả mạo tinh vi hơn, đặc biệt là giả mạo giọng nói, hình ảnh hoặc video.