Một số thuốc có thể dễ gây cháy nắng

DS.Hoàng Vân 12/07/2025 04:00

Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh, sau khi uống nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ khiến da dễ bị cháy nắng hơn, gây đau, phát ban, ngứa, phồng rộp hoặc bong tróc.

1. Thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ cháy nắng

Thuốc kháng sinh có thể điều trị rất nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Mặc dù thuốc kháng sinh không trực tiếp khiến da bị cháy nắng, nhưng chúng có thể gây phản ứng hóa học trên da, làm tăng độ nhạy của da với ánh nắng mặt trời hơn. Điều này có thể khiến da dễ bị cháy nắng hơn.

Tuy nhiên, phản ứng này chỉ là tạm thời. Để đảm bảo không có phản ứng bất lợi liên quan đến ánh nắng mặt trời, nên sử dụng kem chống nắng SPF trong khi dùng kháng sinh. Cần đảm bảo thoa nhiều kem chống nắng hơn ở cẳng tay, bàn tay, cổ và mặt, vì đó là những nơi thường thấy tiếp xúc nhiều với ánh sáng.

Một số kháng sinh có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời: Ciprofloxacin, doxycycline, ofloxacin, tetracyclin, trimethoprim, sulfamethoxazole (bactrim, septra) và sulfisoxazole (gantrisin).

Một số thuốc có thể dễ gây cháy nắng- Ảnh 2.
Nhiều loại thuốc khiến da dễ bị cháy nắng khi tiếp xúc với tia UV.

2. Thuốc chống nấm

Thuốc chống nấm điều trị nhiễm trùng do nấm cũng làm tăng nguy cơ cháy nắng cho người dùng. Nguyên nhân là do các thành phần trong thuốc có thể hấp thụ tia UV và giải phóng năng lượng vào da, gây phản ứng viêm từ đó làm tổn thương tế bào da. Tuy nhiên, triệu chứng khó chịu này chỉ kéo dài trong vài tuần. Một số loại thuốc chống nấm có khả năng khiến bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, bao gồm flucytosin, griseofulvin, voricanozole.

3. Thuốc statin

Một số statin dùng để điều trị cholesterol cao cũng có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và dẫn đến bị cháy nắng ở một số người. Nguyên nhân có thể là do các loại thuốc này làm thay đổi quá trình chuyển hóa của da, khiến da dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Các thuốc có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời bao gồm simvastatin (Zocor), atorvastatin (Lipitor), lovastatin (Mevacor), pravastatin (Pravachol).

4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

NSAID thường được dùng để điều trị đau, hạ sốt và giảm viêm, nhưng cũng có thể khiến bạn tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu cho thấy, các thuốc này hấp thụ tia UV và giải phóng chúng vào da, gây tổn thương cho tế bào da, từ đó làm tăng nguy cơ cháy nắng.

NSAID bao gồm: Ibuprofen, naproxen,celecoxib,piroxicam, ketoprofen...

Để tránh cháy nắng khi uống NSAID, tốt nhất nên ở trong bóng râm, che chắn vùng da hở và thoa kem chống nắng thường xuyên.

5. Thuốc tránh thai uống và estrogen

Bất kỳ loại thuốc tránh thai hoặc estrogen nào cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ, nhất là với người mới uống. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ cháy nắng, nám da và các vấn đề liên quan đến sắc tố.

Estrogen làm tăng sản xuất melanin, sắc tố da chịu trách nhiệm bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tuy nhiên, khi estrogen ở mức cao, quá trình sản xuất melanin có thể bị rối loạn, dẫn đến sự tích tụ không đều và hình thành các mảng nám hoặc đốm nâu.

6. Phenothiazin

Phenothiazin là thuốc dùng để điều trị các rối loạn tâm thần nghiêm trọng bao gồm tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác. Thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Ngay cả khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn cũng có thể gây phát ban, ngứa và đỏ da, hoặc cháy nắng nghiêm trọng ở một số người dùng phenothiazin.

Các phenothiazin có thể gây nhạy cảm với ánh sáng bao gồm fluphenazine, thioridazine,prochlorperazine.

Một số thuốc có thể dễ gây cháy nắng- Ảnh 3.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

7. Retinoid

Retinoid được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và các tình trạng da khác có thể khiến mọi người nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Các loại thuốc bôi ngoài da này sẽ khiến lớp biểu bì mỏng đi, khiến da dễ bị tổn thương dưới tác động của tia UV, dễ bị cháy nắng hơn. Các loại thuốc này bao gồm: Acitretin (Soriatane), isotretinoin (Accutane).

8. Sulfonylureas trị bệnh đái tháo đường loại 2

Sulfonylurea, một loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 có thể khiến da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời hơn, khiến bạn dễ bị cháy nắng. Các biểu hiện cháy nắng thường dưới dạng phát ban da, xuất hiện các nốt nhỏ hoặc mụn nước. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi ngừng thuốc.

Hai loại sulfonylurea có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời bao gồm glipizide (Glucotrol), glyburide (Micronase).

Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), không phải tất cả mọi người dùng thuốc trên đều có phản ứng. Thông thường, những người mới bắt đầu dùng thuốc thể dễ bị ảnh hưởng hơn. Cách tốt nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước khi ra ngoài: Đội mũ, thoa kem chống nắng và thoa lại sau mỗi 2 giờ nếu làm việc ngoài trời, mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí che phủ da hở và uống nhiều nước.

Xem thêm video đang được quan tâm:


Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/mot-so-thuoc-co-the-de-gay-chay-nang-169250711153212225.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/mot-so-thuoc-co-the-de-gay-chay-nang-169250711153212225.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Một số thuốc có thể dễ gây cháy nắng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO