Nắng nóng oi bức, gia tăng trẻ nhỏ bị bệnh rối loạn tiêu hóa, hô hấp
Thời tiết nắng nóng đầu mùa lên đến gần 40 độ C trong những ngày qua ở Nghệ An khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh lý liên quan đến hô hấp và tiêu hóa gia tăng.
Các bệnh thường gặp thời điểm nắng nóng
Tại Khoa Khám, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 900 lượt bệnh nhi đến khám. Trong số này, nhiều trường hợp được ghi nhận mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, hô hấp, chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số bệnh nhi đến khám.Các bệnh lý phổ biến nhất mà trẻ đến khám gồm, viêm phế quản, viêm họng, tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột và các bệnh về da, một số trường hợp bị sốc nhiệt do thời tiết thay đổi đột ngột.

Theo bác sĩ Nguyệt, trong thời điểm giao mùa, các bệnh lý đường tiêu hóa và hô hấp ở trẻ em có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy cấp và viêm phổi.
Về bệnh lý tiêu hoá, nhiều trường hợp trẻ mắc tiêu chảy cấp do nhiễm rotavirus, viêm đường ruột do vi khuẩn từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hay các loại virus khác như adenovirus. Để phòng ngừa, phụ huynh cần chú trọng vệ sinh môi trường sống, an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo tiêm phòng vaccine rotavirus đầy đủ cho trẻ.

Cách phòng bệnh mùa nắng nóng
Bác sĩ Vương Thị Minh Nguyệt cho rằng, nắng nóng để phòng tránh bệnh tật hiệu quả, điều quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống đủ nước nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.Người dân cũng được khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người, nhất là khi đang có dịch bệnh lưu hành. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, khói bụi và giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng. Đồng thời, nên hạn chế ra đường hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng gắt.

"Cần sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc 'ăn chín, uống sôi', không sử dụng thực phẩm sống, có dấu hiệu ôi thiu hoặc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt phải vệ sinh tay sạch sẽ trong quá trình chế biến và cho trẻ ăn", bác sĩ Nguyệt chia sẻ.Ngoài ra, thực phẩm bày bán ngoài đường rất dễ bị nhiễm bụi bẩn, hỏng nhanh dưới nhiệt độ cao. Do đó, phụ huynh cần thận trọng khi lựa chọn thức ăn đường phố cho trẻ trong thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay.
Cũng theo bác sĩ Nguyệt, trường hợp trẻ nhỏ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, nếu còn đang bú mẹ nên tiếp tục cho bú để duy trì sức đề kháng. Với cả trẻ nhỏ và người lớn, khi bị bệnh nên ăn các món dễ tiêu hóa, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh việc tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ, đảm bảo ăn chín, uống sôi, sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát và uống đủ nước mỗi ngày là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng bệnh trong mùa nắng nóng.Ngoài ra, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời quá lâu trong điều kiện thời tiết oi bức, vì nguy cơ mất nước, kiệt sức và nhiễm bệnh rất cao.Liên quan đến việc sử dụng điều hoà, bác sĩ cho biết nhiều phụ huynh lo ngại điều hòa làm trẻ ốm, nhưng thực tế nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng sai cách. Cần giữ nhiệt độ phòng ổn định, tránh chênh lệch lớn so với bên ngoài. Khi không dùng điều hoà, nên mở cửa để lưu thông không khí, tránh tích tụ vi khuẩn. Không nên đưa trẻ ra ngoài ngay sau khi ở phòng điều hoà, mà chỉ nên ra khi cơ thể trẻ đã thích nghi với nhiệt độ môi trường, nhằm tránh tình trạng sốc nhiệt."Phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng của y tế địa phương, đồng thời cân nhắc tiêm bổ sung một số vaccine khác phòng các bệnh thường gặp", bác sĩ Nguyệt khuyến cáo thêm.