Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu

Trả lời chất vấn ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ không có chủ trương thu sổ hộ khẩu, bộ sẽ kiểm tra và chấn chỉnh.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phản ánh ý kiến cử tri khi đến cơ quan công an làm các thủ tục liên quan đến hộ khẩu thì bị thu sổ hộ khẩu giấy. Nhưng khi công dân đến cơ quan nhà nước làm thủ tục như nhập học, nộp hồ sơ xin việc… vẫn được yêu cầu có sổ hộ khẩu giấy gốc để đối chiếu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cho vấn đề này tối ưu nhất.

 ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Giải trình về phản ánh này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ không có chủ trương này, đây có thể là trường hợp cá biệt, Bộ sẽ kiểm tra và chấn chỉnh trường hợp cụ thể này.

Bên cạnh đó, trong lộ trình xóa bỏ hộ khẩu, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi phù hợp; thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác thông tin, phục vụ rút ngắn các thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân gắn chip.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Sau khi lắng nghe ý kiến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời, ĐBQH Nguyễn Trường Giang tranh luận và cho biết, việc làm này được thực hiện theo Điều 26 của Thông tư 55 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 chứ không phải là thực hiện tại một địa phương hay địa bàn cụ thể nào.

Phát biểu trước khi kết thúc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thêm, theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải chủ trương thu tất cả.

Cũng nêu ý kiến tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) chất vấn về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chip để tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết các thủ tục có liên quan.

Trả lời chất vấn về câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân. Tuy nhiên, có 2 khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch, đó là khâu khai sinh và khai tử. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nên đồng bộ 2 khâu này, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.

Theo Bộ trưởng, khi trẻ được sinh ra, căn cứ trên giấy chứng sinh, bé được cấp mã số định danh cá nhân, chính là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi. Từ mã số này, bé sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ đều được thực hiện đồng bộ, giảm thiểu rất nhiều thời gian và công sức cho người dân.

Hiện nay, việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.