Cám cảnh con nhỏ bệnh tật chăm mẹ ung thư liệt giường

Hơn 10 tuổi, Tấn Lộc bất đắc dĩ trở thành chỗ dựa chính cho người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Tấn Lộc mong có thể đánh đổi tất cả để lấy lại sức khỏe cho mẹ.

Sao trời không thương!

Trong căn nhà xập xệ có thể đổ sập bất cứ lúc nào tại thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), em Phan Lê Tấn Lộc (SN 2014) đặt chiếc bàn gần giường vừa học vừa theo dõi người mẹ đang đau đớn trong bệnh tật.

Trên trang vở còn viết dở, nhiều chữ bị loang mực vì nước mắt của đứa con trai hiếu thảo khi nhìn mẹ bị những cơn đau do bệnh ung thư hành hạ. Nước mắt rơi trong vô thức được Lộc lau vội để tới bên mẹ vỗ về.

 
 
 

Căn nhà mẹ con Tấn Lộc sinh sống xuống cấp có nguy cơ đổ sập.

Trong góc phòng chật hẹp le lói một ít ánh sáng từ cửa sổ bị nứt, chị Lê Thị Liễn (SN 1975) vừa cố chịu những cơn đau vừa động viên con ngừng khóc. Bởi dòng nước mắt cùng những tiếng nấc nghẹn của đứa con trai bé bỏng làm chị càng thêm đau lòng.

"Đau quá tôi mới phát ra tiếng chứ cố nhịn vì không muốn con thấy mình khóc rồi khóc theo. Nhìn con còn nhỏ chăm sóc mẹ ốm đau tôi càng thêm đau lòng", chị Liễn chia sẻ.

 
 

Tấn Lộc kê bàn học canh giường bệnh của mẹ.

Vì căn bệnh ung thư vòm họng, chị Liễn phải dùng những dòng chữ nguệch ngoạc với đôi tay run run vì đau và yếu sức để kể lại gia cảnh bĩ cực. Sinh ra ở vùng quê nghèo, vất vả với nỗi mưu sinh, ở cái tuổi 34 nhiều người thời đó cho là "ế chỏng, ế chơ" chị mới lấy chồng.

Cuộc sống chỉ dựa vào đám ruộng, mảnh vườn nên đôi lúc chẳng đủ ăn. Trong sự đợi chờ tưởng vô vọng, phải 5 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị Liễn mới có con.

Cứ ngỡ cuộc sống dù khó nhưng đủ đầy tình cảm sẽ cứ thế trôi đi khi đứa con chưa tròn 3 tuổi chồng chị Liễn gặp bạo bệnh qua đời. Từ ngày đó mẹ con chị côi cút bám víu lấy nhau mà sống.

Nhà nghèo, con nhỏ cũng hay bệnh tật, đám ruộng chẳng đủ tiền ăn, tiền thuốc nên chị Liễn ra chợ buôn bán nhỏ, khi ế khách ai thuê gì chị làm nấy. Gần chục năm trời người phụ nữ cứ thế tần tảo để nuôi con.

 

Người phụ nữ tần tảo ngày càng kiệt quệ vì bệnh tật.

Nhưng rồi tai họa cứ dần giáng xuống gia đình đáng thương này, đầu năm 2024, chị Liễn nhận tin giữ mình bị ung thư. Người phụ nữ mạnh mẽ ngã quỵ nhưng vì con chị cố gượng dậy và thực hiện điều trị với mong muốn được bên con đến lúc trưởng thành.

Sau đó không lâu, cháu Tấn Lộc cũng bị bệnh phải phẫu thuật. Hai mẹ con chị Liễn đi viện nhờ số tiền ít ỏi người thân cùng làng xóm hỗ trợ. Những ngày chị đi trị bệnh, ít ỏi tài sản trong nhà cũng bị nước lũ cuốn trôi, gây hư hại.

Nhìn những bệnh nhân khác có người chăm lúc đau, lúc kết thúc hóa trị còn bản thân chị phải một mình chống chịu mà càng thêm tủi thân. Nhưng dường như đã quen với những khó khăn, chị quệt vội dòng nước mắt để chiến đấu với bệnh tật.

 

Mẹ con chị Liễn thường xuyên "làm bạn" với giường bệnh.

"Ông trời thật ác nghiệt với gia đình tôi, cứ khiến cuộc sống khó khăn này thêm đau khổ. Chỉ mong có thể lành bệnh để chăm con chứ nó còn nhỏ mà cũng nhiều bệnh tật", chị Liễn xúc động nén đau để thốt ra những lời than thân.

"Mẹ sinh con, nuôi con lớn, giờ con sẽ chăm mẹ đau bệnh"

Bà Nguyễn Thị Minh, hàng xóm chị Liễn nói rằng, lớn lên trong sự thiếu thốn, nên Tấn Lộc có vẻ trưởng thành hơn chúng bạn. Mới 10 tuổi nhưng con luôn tự giác trong việc học, phụ mẹ việc nhà.

 

Mới 10 tuổi nhưng Lộc luôn tự giác trong việc học, phụ mẹ việc nhà.

"Cháu Lộc ngoan và giỏi, bé thế mà cháu biết tự học, dọn nhà, nấu ăn. Đôi lúc sang thăm, thấy Lộc đứng trong nhà nhìn đám bạn vui chơi nhưng không nỡ đi vì phải chăm mẹ ốm mà thấy thương. Rồi ngày lễ, Tết bạn bè ai cũng được bố mẹ đưa đi chơi, sắm đồ đẹp nhưng Lộc lủi thủi tôi cũng rơi nước mắt", bà Minh chia sẻ.

Pha cốc sữa nóng, thổi nguội và nhắc mẹ uống từ từ kẻo sặc xong Lộc lại tất tả xuống bếp chuẩn bị bữa tối. Trong góc bếp ẩm thấp, nước mắt Lộc lại chực trào ra.

"Thấy mẹ không nuốt nổi sữa cháu đau lòng nhưng phải cắn răng không để nước mắt rơi trước mắt mẹ. Cháu chấp nhận đánh đổi tất cả mọi thứ để mẹ không đau bệnh nữa. Giờ cháu chẳng cần giàu có, quần áo mới, xe đạp xịn, chỉ cần mẹ khỏe mạnh. Cháu có thể làm mọi thứ từ quét dọn, nấu ăn nếu cần sẽ ra đồng thay mẹ, chỉ cần mẹ còn sống là được", Tấn Lộc cố không khóc nhưng tiếng nấc nghẹn cứ thế tuôn ra.

 

Nỗi đau Tấn Lộc sau mỗi lần cho mẹ uống sữa.

Mong ước của cậu bé ấy tưởng chừng là điều giản đơn với bao cậu bé khác. Nhưng gia cảnh đang khiến ước mơ ấy ngày càng khó thực hiện bởi chi phí điều trị bệnh của mẹ con đã "cạn".

"Người thân, làng xóm giúp được bao nhiêu thì dùng điều trị bệnh hết rồi. Giờ khó quá phải về nhà nằm chờ có ai giúp mới đi tiếp chứ không biết lấy đâu ra tiền. Tôi có đau cũng được nhưng đừng bắt tôi chết vì con còn nhỏ quá, không nỡ bỏ con lại", chị Liễn nghẹn ngào.

 

Tấn Lộc mong có thể đánh đổi tất cả để mẹ được khỏe mạnh.

Ông Lê Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Liễn đặc biệt khó khăn tại địa phương. Chồng mất sớm, chị tần tảo nuôi con nhỏ hiện nay mắc bệnh nặng. Chính quyền địa phương mong muốn gia đình chị nhận được sự hỗ trợ để qua cơn bĩ cực.

Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Liễn - Mã số 969 xin gửi về:

1. Chị Lê Thị Liễn ở thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 969

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái" tại tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 969

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.

6. Ủng hộ USD qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 118.000.202.194 (USD)

Đề gửi Mã Số 969