Cảnh báo thị trường thuốc 'xách tay' quảng cáo 'dự phòng và đặc trị COVID-19'

Dùng chung một mẫu nội dung quảng cáo sản phẩm tự nhận là "đang rất hot" trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nhưng mỗi tài khoản lại bán thuốc với giá khác nhau đến cả vài triệu đồng/hộp.

Gần đây, "thị trường thuốc online" xuất hiện rầm rộ nhiều mặt hàng "xách tay" được quảng cáo có xuất xứ từ Ấn Độ, Nga, có khả năng dự phòng và điều trị COVID-19 như thuốc Arbidol hay Areplivir.

Hầu hết các trang bán hàng thuốc Arbidol trên mạng xã hội đều quảng cáo đây là thuốc tăng đề kháng, phòng tránh và ức chế virus corona; ngoài ra còn có tác dụng với hàng loạt loại virus khác như cúm A, cúm B, H5N1...

Cần là có!

Đầu tháng 9/2021, một trang Facebook cá nhân ghi địa chỉ ở TPHCM giới thiệu sản phẩm thuốc Arbidol "giúp điều hoà hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng tốt, chống lại virus tối đa". Theo lời quảng cáo, thuốc này dùng được cho cả gia đình, trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Trong đó sau khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác thì trong từ 10-14 ngày, trẻ em (từ 6-12 tuổi) uống 1 viên/ngày, trẻ em trên 12 tuổi và người lớn uống 2 viên/ngày.

Khi đang điều trị cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác, liệu trình này rút ngắn xuống 5 ngày, trong đó trẻ em trên 12 tuổi và người lớn có thể dùng 8 viên/4 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ. "Dùng không hết có thể để dành uống phòng ngừa cúm hàng năm, thuốc hiệu quả và không gây tác dụng phụ"- người bán quảng cáo.

Không nên tự ý sử dụng thuốc trước khi có chỉ định của bác sĩ là lời khuyên của nhiều chuyên gia y tế trước tình trạng bát nháo của thị trường thuốc xách tay điều trị và dự phòng COVID-19.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, gần đây có tình trạng người bệnh tùy tiện sử dụng thuốc COVID-19 theo những lời quảng cáo, trong đó có nhiều loại thuốc được xách tay từ nước ngoài.

Bản thân BS Khanh cũng nhận được nhiều câu hỏi từ người dân về việc có nên sử dụng các loại thuốc này hay không, hiệu quả thực tế như thế nào... Vị chuyên gia này khẳng định việc sử dụng thuốc kháng viêm, kháng virus đòi hỏi sự chỉ định của bác sĩ bởi thuốc có rất nhiều tác dụng phụ. Các tác dụng phụ này cũng tùy thuộc vào từng thành phần của thuốc nên từ đó các bác sĩ sẽ có hướng dẫn, chống chỉ định với từng trường hợp sử dụng. Nếu dùng thuốc tùy tiện sẽ dẫn tới hậu quả tiền mất, tật mang.

Liên quan tới tác dụng của các loại thuốc dự phòng, thậm chí sử dụng cho đối tượng F1, F2 để có thể phòng ngừa nhiễm COVID-19, BS Khanh khẳng định đây hoàn toàn là những quảng cáo sai sự thật.

"Hiện nay, thứ duy nhất có thể dự phòng được virus SARS-CoV-2 là vaccine. Người dân nên tiêm vaccine COVID-19 đang được miễn phí thay vì bỏ tiền ra mua những loại thuốc không hiệu quả lại tốn tiền vô ích. Chỉ vaccine mới có thể giúp chúng ta phòng tránh và giảm các triệu chứng tăng nặng khi mắc COVID-19", ông khuyến cáo.

Trong phác đồ điều trị COVID-19 của Việt Nam hiện nay chỉ có hai loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép sử dụng gồm Remdesivir và Molnupiravir. Trong đó, Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Tại Việt Nam, viên nang Molnupiravir được đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care), song song cùng thí điểm điều trị tại bệnh viện.

Còn Remdesivir (sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch) điều trị cho bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện. "Hiện có rất nhiều thuốc quảng cáo điều trị COVID-19 nhưng chỉ hai loại thuốc trên đã được Bộ Y tế xem xét, đánh giá tính hiệu quả và an toàn. Trong khi đó, do những loại thuốc khác không rõ thành phần thế nào, công dụng đến đâu, chúng ta hoàn toàn không nên sử dụng", BS Khanh nói.