Cửa hàng thời trang thi nhau “đại hạ giá” nhưng vẫn ế ẩm

Dù đã áp dụng các chương trình ưu đã “sale sập sàn” để kích cầu tiêu dùng nhưng nhiều cửa hàng thời trang vẫn rơi vào cảnh ế khách, thậm chí cả ngày không bán được một sản phẩm.

Sau khi hết giãn cách xã hội, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến các cửa hàng quần áo, trung tâm thương mại tại Hà Nội lâm vào cảnh vắng khách.

Theo ghi nhận của PV Thời đại Plus vào giữa tháng 11, tại một số con phố, trung tâm thương mại, siêu thị lớn chuyên bán hàng thời trang ở Hà Nội đồng loạt treo biển “sale” từ 50 -70%, xả toàn bộ cửa hàng.... Tuy nhiên, trái với cảnh tập nập mua bán thì lại là không khí ảm đạm, ế ẩm, thậm chí nhiều nơi cả ngày không có khách.

Nhiều cửa hàng đồng loạt hạ giá sản phẩm nhưng vẫn không có khách.

Nhiều chủ cửa hàng cho biết, từ sau giãn cách, khách ít ghé đến, sức mua giảm mạnh so với mọi năm. Dù đã kích cầu bằng một loạt các chương trình ưu đãi nhưng hầu như không có tín hiệu tích cực.

Chị Phương chủ một shop quần áo xuất khẩu tại quận Cầu Giấy cho biết đang phải giảm giá mạnh để đẩy hàng đi, thu hồi vốn cho vụ mùa đông sắp tới, cũng như để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Người mua hàng chủ yếu là khách quen hoặc bán online. Cố gắng lắm, cửa hàng mới duy trì được khoản doanh thu gần bằng 50% so với trước dịch.

Hàng loạt các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng.

Cùng thời điểm, một cửa hàng bán đồ thời trang nam trên phố Thái Hà (Đống Đa) cũng không một bóng khách. Nhân viên bán hàng cho biết, có những hôm dọn hàng ra nhưng không ai hỏi, cả buổi sáng 5 khách vào xem đồ nhưng chỉ có 2 người mua hàng.

Để hút khách, các chủ cửa hàng đã đẩy mạnh các chương trình giảm giá và dán thông báo bắt mắt phía trước. Theo khảo sát, rất nhiều cửa hàng trên con phố thời trang này cũng chọn cách sale mạnh tay để giành khách giữa thời buổi khó khăn sau đại dịch.

Cảnh vắng vẻ, ế ẩm ở các shop thời trang 

Tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị bán quần áo lớn cũng rơi cảnh vắng vẻ, đìu hiu, khác hẳn cảnh đông đúc, chật chội trước đây.

Ghi nhận tại trung tâm thương mại Aeon Mall (Dương Nội, Hà Đông), khu vực bán hàng thời trang chỉ lác đác vài khách, nhiều gian hàng không có một bóng khách dù đã treo bảng giảm giá sâu.

Các trung tâm thương mại cũng rơi vào tình trạng vắng khách.

Nhân viên tại một quầy hàng thời trang cho biết: “Từ khi được mở cửa trở lại, có nhiều hôm cả ca trực không bán được sản phẩm nào. Trước giãn cách đã vắng rồi, bây giờ còn vắng nữa. Nhiều gian hàng vì không đủ kinh phí chi trả đã phải nhượng hoặc trả lại mặt bằng".

Quản lý một quầy hàng thời trang nói: “Những năm chưa có dịch, khoảng thời gian từ tháng 11 trở đi là lúc chúng tôi bận rộn vì thời tiết bắt đầu lạnh, nhiều dịp lễ nên nhu cầu mua sắm của khách tăng cao. Nhưng năm nay dịch bệnh kéo dài, cửa hàng mất nhiều tháng không được mở, số lượng nhân viên cũng phải cắt giảm vì không đủ chi phí. Lý do các cửa hàng thời gian vắng khách, một phần có thể kinh tế của người dân cũng hạn hẹp nên mọi người cũng cân nhắc chi tiêu”.

Hầu hết các cửa hàng thời trang đều vắng vẻ, ít người mua sắm.

Do tâm lý ngại tiếp xúc khi đang dịch bệnh cộng thêm thu nhập giảm, giá cả các mặt hàng, chi phí sinh hoạt tăng nên nhiều người hạn chế mua sắm hàng thời trang, cân nhắc chi tiêu. Chị Lan Anh, nhân viên văn phòng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch COVID-19 kéo dài liên miên nên cũng kéo theo thu nhập của tôi và các thành viên trong gia đình giảm, chưa kể thời gian gần đây, giá của rất nhiều các mặt hàng tăng nên chi phí sinh hoạt dành cho một tháng cũng thay đổi. Việc mua sắm quần áo không quá cần thiết nên tôi cũng hạn chế, hơn nữa đến các cửa hàng cũng sợ tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Cần thiết lắm thì tôi mua đồ online, giá cả cũng phù hợp mà lại được mang đến tận tay”.