Động lực từ cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index vượt khó qua mốc 910 điểm

Lực mua mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là động lực chính giúp chỉ số trở lại mức đỉnh trong ngày. Hàng loạt cái tên như ACB, BID, CTG, MBB, SHB, STB, VPB, LPB, HDB, TCB, TPB… đều có mức tăng tốt trong phiên đầu tuần.

Phiên giao dịch sáng đầu tuần diễn ra khá tích cực với sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hàng loạt cái tên như ACB, BID, CTG, MBB, SHB, STB, VPB, LPB, HDB, TCB, TPB… cùng ông lớn VIC (Vingroup) là những nhân tố mang lại sự tích cực giúp thị trường bứt phá. 

Phiên chiều thị trường tiếp tục duy trì được sắc xanh tích cực, lực mua mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính giúp chỉ số trở lại mức đỉnh trong ngày.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9, VnIndex tăng hơn 4 điểm lên ngưỡng 912,5 điểm; HNX-Index tăng 1,6 điểm lên 133,12 điểm. Thanh khoản 2 sàn tiếp tục ở mức cao với gần 7.200 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhân tố nổi bật thị trường này hôm nay với sự bứt phá mạnh mẽ kèm thanh khoản cao. Chỉ một số ít ngân hàng có giao dịch dưới 1 triệu cổ phiếu còn lại khối lượng giao dịch đều mạnh mẽ hàng triệu cổ phiếu trong đó LPB, STB, CTG, ACB, MBB giao dịch hơn 8 triệu cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán tăng điểm nhờ động lực từ cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng.

Ở nhóm dệt may, TVT (TCT Việt Thắng, đơn vị thành viên của Vinatex) và MSH (May Sông Hồng) có phiên tăng điểm khá ấn tượng với mức tăng trên 3%. Trong khi đó các cổ phiếu khác trong ngành này chỉ giữ giá ở mức tham chiếu hoặc giảm nhẹ.

Nhóm ngành vận tải cũng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư khi VOS (CTCP Vận tải biển VN) tăng hết biên độ, MAS cũng đã tăng mạnh 6,23%, GSP  tăng 4,1%, PVT và VIP cùng tăng trên 3%, SKG, TCL tăng trên 1%.

Thị trường chứng khoán trong nước được cho là gặp khó ở mốc 910 điểm sau khi có khoảng thời gian tăng điểm trước đó, tuy nhiên hôm nay với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã giúp chỉ số VN-Index tạm thời "vượt khó".

Trong bối cảnh COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước, nhiều chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành nhằm kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, cùng với đó là những tín hiệu tích cực từ EVFTA chỉ sau hơn một tháng thực hiện đang giúp niềm tin của nhà đầu tư được nâng cao.

Tuy nhiên, Sự ảnh hưởng thực sự của COVID-19 chỉ thực sự chấm dứt khi có vắc-xin phòng chống đặc hiệu, từ giờ tới lúc đó Việt Nam vẫn cần nâng cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch, không để dịch bênh quay trở lại thì các hoạt động cơ bản mới được ổn định và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19.