Hãng dược CureVac sắp thử nghiệm vaccine COVID-19 thế hệ mới

Hãng dược CureVac (Đức) thông báo sắp thử nghiệm vaccine COVID-19 thế hệ mới. Quá trình thử nghiệm cho thấy, vaccine mới tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao tương đương với nhiều loại vaccine khác.

Theo hãng tin Reuters, ngày 18/11, Công ty công nghệ sinh học Đức CureVac cho biết, dự kiến trong vòng vài tháng tới công ty này sẽ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine thế hệ thứ hai của hãng.

Dữ liệu công bố của CureVac cho thấy, sau khi thử nghiệm trên khỉ vaccine thế hệ tiếp theo có tên gọi CV2CoV tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao tương đương với loại vaccine Pfizer/BioNTech đã được Mỹ phê duyệt.

CureVac khẳng định, hiệu quả của CV2CoV cũng cao hơn so với loại vaccine thế hệ đầu tiên do hãng dược này sản xuất. CureVac là một trong những hãng sử dụng công nghệ mRNA phát triển vaccine.

CureVac khẳng định, hiệu quả của CV2CoV cao hơn so với loại vaccine thế hệ đầu tiên. Ảnh: Reuters

Trước đó vào cuối tháng 6/2021, trong thử nghiệm cuối cùng, CureVac cho biết vaccine ngừa COVID-19 thế hệ đầu của họ chỉ đạt hiệu quả 48%. Dù cùng sử dụng công nghệ mRNA, nhưng vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna có hiệu quả khoảng 95% và cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước các biến thể mới dễ lây lan hơn.

Dù hiệu quả thấp hơn 2 loại vaccine nói trên, CureVac tin rằng họ có lợi thế nhất định. Vaccine của CureVac có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, trong khi vaccine của Pfizer và Moderna yêu cầu bảo quản khắt khe ở nhiệt độ cực thấp. CureVac đã rút lại hồ sơ xin phê duyệt gửi đến Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cho loại vaccine nói trên.

Vào tháng 10/2021, CureVac quyết định ngừng phát triển CVnCoV để tập trung hợp tác cùng GlaxoSmithKline nghiên cứu công nghệ vaccine mRNA cải tiến, có khả năng tạo ra lượng kháng thể gấp 10 lần loại vaccine đầu tiên của CureVac.

Tất cả loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA hoạt động bằng cách đưa các hạt nano lipid (các bong bóng chứa mã gene của S-protein, một loại protein có tác dụng giúp virus bám được vào bề mặt tế bào) vào trong cơ thể. Khi được tiêm vaccine, cơ thể sẽ sản sinh S-protein dựa trên mã gene từ vaccine để từ đó sản sinh ra kháng thể chống lại loại protein này.

Một tình nguyện viên được tiêm vaccine COVID-19 của CureVac trong cuộc thử nghiệm giai đoạn 1. Ảnh: Financial Times

Ông Rein Verbeke - một nhà nghiên cứu chuyên về mRNA tại Đại học Ghent cho hay, cả Moderna và BioNTech đều chỉnh sửa một bộ phận của mRNA có tên là uridine khi điều chế vaccine. Việc chỉnh sửa mRNA có tác dụng giúp cơ thể sản sinh được nhiều S-protein hơn đồng thời cũng giữ cho cơ thể không phản ứng quá mức đối với vaccine.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 567.000 ca mắc COVID-19 và trên 7.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc tới nay đã vượt 256 triệu ca, trong đó trên 5,14 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 81.000 ca), Đức (64.164 ca) và Anh (46.807 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.251 ca), Mỹ (969 ca) và Ukraine (752 ca). Như vậy, ngoài Mỹ, các quốc gia có ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua đa số nằm ở châu Âu.