Hơn 6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên thế giới

Đến nay, đã có hơn 6 tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới. Tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã ổn định hơn so với thời gian đầu triển khai chiến dịch.

Ngày 22/9, hãng tin AFP cho biết, trên toàn thế giới đã có hơn 6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân. So với thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho toàn dân, đến nay tốc độ tiêm chủng trên toàn thế giới đã ổn định hơn.

Theo nguồn tin trên, để đạt được mức tăng 1 tỷ liều lên mốc tiêm 6 tỷ liều vaccine, thế giới cần 29 ngày. Trước đó, để tăng từ 4 tỷ liều vaccine được tiêm lên mốc 5 tỷ liều thế giới cần 26 ngày và để tăng từ 3 tỷ liều lên 4 tỷ liều thế giới cần 30 ngày. Trong khi đó, để đạt được mốc 1 tỷ liều vaccine đầu tiên, thế giới cần đến 140 ngày.

Thống kê cụ thể cho thấy, trong số hơn 6 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm chủng nói trên, 2,18 tỷ liều được tiêm ở Trung Quốc. Tiếp đến là Ấn Độ với 826,5 triệu liều, Mỹ với 386,8 triệu liều. Đây là 3 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong số các nước có dân số từ 1 triệu người trở lên, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng với 198 liều/100 người và hơn 81% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Theo sau là Uruguay với tỷ lệ 175 liều/100 người, Israel với 171 liều/100 người, Cuba với 163 liều/100 người, Qatar với 162 liều/100 người và Bồ Đào Nha với 154 liều/100 người. Trong số những nước kể trên, một số nước đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường (mũi thứ 3).

Đến nay đã có hơn 6 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân trên toàn thế giới. Ảnh: AP

Tại các quốc gia nghèo hơn, hiện nay chiến dịch tiêm chủng cũng đã được bắt đầu, trong đó chủ yếu là dựa vào nguồn cung từ cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Tuy nhiên độ bao phủ vaccine chưa đồng đều.

Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), ở các quốc gia có thu nhập cao, tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở mức 124 liều/100 người, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 4 liều/100 người. Có 3 quốc gia trên thế giới chưa thông báo về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là Burundi, Eritrea và Triều Tiên.

Cũng trong ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều.

Mỹ sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới.

Thông báo trên được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 diễn ra bên lề khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại Mỹ. Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. 

Theo Tổng thống Biden, chính phủ Mỹ đã đàm phán mua thêm 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech để tài trợ cho các nước khác. Số vaccine trên sẽ được sản xuất tại Mỹ và chuyển tới các nước thu nhập thấp và trung bình từ tháng 1/2022 theo cơ chế COVAX nhằm đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 được phân phối công bằng trên toàn cầu.

Theo ước tính của giới chuyên gia, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 để đạt độ bao phủ vaccine. Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết 500 triệu liều vaccine mà Chính phủ Mỹ đặt mua trước đó đã được chuyển đến các nước trên thế giới bắt đầu từ tháng 8 và dự kiến tiến trình chuyển giao tổng 1 tỷ liều vaccine viện trợ sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9/2022. Có 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình và 55 nước thành viên Liên minh châu Phi sẽ được nhận số vaccine viện trợ này.