Lại nóng chuyện phí BOT

Câu chuyện thu phí BOT tiếp tục nóng lên ngay trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi khi xảy ra vụ cướp ở một trạm thu phí và nghi vấn có hay không cán bộ dùng phần mềm để “ém” tiền phí BOT.

Cả hai thông tin cướp gây xôn xao dư luận tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và có hay không sự mập mờ dùng phần mềm “ém” tiền thu phí BOT… đều đã được đơn vị thu phí lên tiếng giải thích, nhưng lần nữa chuyện phí BOT lại râm ran.

Việc thu phí BOT là chính đáng vì nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền rất lớn để thực hiện dự án và để lại những công trình để đời trong việc thông thương. Trả phí để đi trên những cung đường đẹp không ai kêu ca nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất đó là sự minh bạch trong thu phí BOT. Nhà đầu tư phải công khai và làm đúng theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT về tổng doanh thu tại 57 dự án BOT với 63 trạm thu phí trong năm 2018 là hơn 12.192 tỷ đồng. Với kết quả này, lũy kế doanh thu từ đầu các dự án đến hết năm 2018 là hơn 47.442 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu lớn nhất năm 2018 là dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng thu là 2.038 tỷ đồng với 3 trạm thu phí. Tuy nhiên trước đó, trong một báo cáo từng công bố, chủ đầu tư dự án này đã kêu lỗ trung bình tới 2,5 tỷ đồng/ngày, tương đương 900 tỷ đồng/năm.

Dự án mở rộng Quốc lộ 51 (Vũng Tàu - Đồng Nai) doanh thu cao thứ hai cũng có tới 3 trạm thu phí với nhiều ý kiến cho rằng bất hợp lý, nhưng đến nay vẫn duy trì không thay đổi.

Dư luận không phán xét trước sự kêu lỗ của chủ đầu tư, điều mấu chốt người ta đòi hỏi là sự minh bạch. Bài toán về tính phí cần được thực hiện một cách xác thực, công khai. Số lượng thu là bao nhiêu, thời hạn thu trong bao lâu. Bởi hiện tại có không ít những trạm thu phí đang hoạch định thiếu rõ ràng khiến người dân không biết mình sẽ còn phải trả phí đến bao giờ?

Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò giám sát thu phí của cơ quan chức năng, bởi với trình độ công nghệ hiện nay, việc giám sát chặt việc thu phí của nhà đầu tư là không khó.

Nhiều ý kiến đề nghị kiên quyết áp dụng “Thu phí không dừng” để đảm bảo sự lưu thông nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm và nhất là công khai, minh bạch và công bằng. Đây là một cách để giám sát hiệu quả các trạm thu phí. Nhà nước cũng đã yêu cầu phải thu phí tự động từ năm 2018, nhưng hiện nay vẫn có nhiều trạm chưa thực hiện. Việc chậm trễ này căn nguyên từ đâu, cần phải truy cứu trách nhiệm các cơ quan liên quan.

Nhiều người cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, nếu các cơ quan liên quan thực hiện việc thu phí công khai, minh bạch thì thời hạn thu phí sẽ giảm đi nhiều so với dự kiến. Thậm chí có thể cưỡng chế ngừng thu phí, phạt tù chủ thầu gian lận. Có hình thức xử lý mạnh tay như vậy mới mong ngăn được gian lận trong thu phí BOT.