Luật sư phân tích livestream sao kê 11 phút của Công Vinh - Thủy Tiên

Hẹn 14h00 ngày 17/9 sẽ livestream “Mang sao kê ra trước công chúng" nhưng buổi live chóng vánh 11 phút của Công Vinh - Thủy Tiên khiến dư luận hụt hẫng và chưa cung cấp được bằng chứng thuyết phục.

Chiều 17/9, thay vì 14h00 livestream tại ngân hàng như đã hẹn, vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên đã lùi sang 15h00. Tuy nhiên buổi livestream chỉ ngắn ngủi 11 phút và cặp đôi ra về với 8 thùng giấy in sao kê với lý do được cho là công an không cho tụ tập đông người và sẽ về nhà chuẩn bị công khai sao kê. 

Trong 11 phút livestream, vợ chồng Thủy Tiên công bố trang đầu tiên và cuối cùng của 18.000 tờ sao kê số tài khoản đuôi 746. Cụ thể, 5 ngày trước khi kêu gọi từ thiện (từ 8-12/10/2020) có số dư 272.000.000 đồng. Giai đoạn kêu gọi từ thiện (từ 13/10 - 23/11/2020) số tiền ghi nợ tại tài khoản này là 177.792.000 đồng. Tóm lại tất cả chuyến thiện nguyện miền Trung theo xác nhận của chính quyền là tổng chi 178.542.000 đồng, còn nhận vào của mạnh thường quân cả nước là 177.520.000 đồng.

Chính vì thế, sau buổi livestream, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội vẫn tiếp tục có nhiều luồng tranh cãi. Một bộ phận cho rằng, hành động dứt khoát và nghiêm túc của cặp đôi xứng đáng nhận được sự tin tưởng, chờ đợi của dư luận: “Cảm ơn đã làm đến cùng, đừng để những người có tâm có thiện lại thua những người nói năng bậy bạ”; “Số thống kê rõ ràng, có dấu mộc đỏ, đứng ngay trước ngân hàng livestream vậy mà nhiều người vẫn miệt thị mỉa mai”;...

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ sự minh bạch: “Hứa hẹn “mang sao kê ra trước công chúng" mà mang có 11 phút thì giải quyết được gì?”; “Sao kê ngân hàng là chuyện quá bình thường nó liên quan hoạt động, tài chính, thuế của chủ tài khoản và ngân hàng. Tổng tiền rút ra khỏi ngân hàng và sử dụng cụ thể ra sao mới là điều nói lên bản chất sự việc”; “Chúng tôi là mạnh thường quân và chúng tôi yêu cầu có kiểm toán và công an kinh tế vào cuộc, như thế mới xác thực”;...

Đến 18h30 ngày 17/9, tức là hơn 3 tiếng sau buổi livestream, trên trang cá nhân của mình, Thuỷ Tiên công khai 10 hình chụp giấy tờ sao kê kèm chia sẻ dài. Đại ý chia sẻ của nữ ca sĩ tổng hợp lại chia sẻ sao kê như đã nói trong livestream trước đó. Đồng thời, một lần nữa Thuỷ Tiên khẳng định duy nhất một số tài khoản kêu gọi: "Tiên khẳng định chỉ dùng và thông báo bằng duy nhất 1 số tài khoản XXX746 để kêu gọi từ thiện tại miền Trung. Tài khoản đuôi XXX812 là tài khoản visa của Tiên, Tiên đã sao kê từ 11/10/2020 đến 10/04/2021 up lên post này để chứng minh là trong suốt thời gian kêu gọi miền Trung Tiên không hề kêu gọi bằng số tài khoản này".

Cô cũng khẳng định thêm: "Thời gian tới chắc chắn Tiên vẫn sẽ tiếp tục thực hiện thiện nguyện, nhưng sẽ không kêu gọi từ cộng đồng nữa mà chỉ thực hiện với tư cách cá nhân như từ trước đến nay. Đó là điều chắc chắn!".

“Những thông tin về sao kê tài khoản ngân hàng chỉ phản ánh phần nào nội dung về tài chính trong hoạt động từ thiện này, không thể giải đáp được hết những thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận.

Bởi, thực tế sao kê tài khoản ngân hàng chỉ thể hiện thông tin về các khoản tiền chuyển đến, các khoản tiền chuyển đi hay rút ra, cũng như tổng số tiền đã tiếp nhận trong một khoảng thời gian. Khi tiền do ngân hàng quản lý, muốn rút ra, chuyển đi hay để lại đều có chứng cứ, để lại dấu vết qua sao kê tài khoản. Vì thế, việc công khai sao kê chỉ chứng minh được một phần sự minh bạch trong hoạt động từ thiện đó là giai đoạn nhận tiền và rút tiền ra từ ngân hàng.

Khi số tiền mặt đã được rút ra, rơi vào tay người tổ chức từ thiện, lúc đó tự họ quản lý và thiếu sự giám sát nên dễ phát sinh tiêu cực, khó phát hiện. Vì thế, khả năng thất thoát tiền từ thiện thông qua chứng cứ sao kê là ít khả năng xảy ra”, luật sư Cường bày tỏ.

Do đó, để có kết luận sự việc có sai phạm hay không, số tiền có bị thất thoát hay không, chỉ có cơ quan chức năng như: Cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra phối hợp với kiểm toán nhà nước, xác minh thông tin tại ngân hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan, các địa phương đã nhận tiền từ thiện mới có thể kết luận một cách đúng đắn, có tính pháp lý.

Ngoài ra, cũng cần xem xét làm rõ các giấy xác nhận về việc giải ngân số tiền đó. Nếu người xác nhận không có thẩm quyền hoặc không trực tiếp chứng kiến việc trao tiền, không trực tiếp nhận số tiền đó thì các giấy chứng nhận xác nhận không có giá trị pháp lý, không phản ánh đúng sự việc.

"Trường hợp những người đã chuyển tiền cho nghệ sĩ thực hiện hoạt động từ thiện mà có nghi ngờ gian lận, khuất tất, có thể trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xác minh làm rõ", luật sư Cường chia sẻ.