Nhiều quốc gia tham gia kế hoạch vaccine COVID-19 toàn cầu, vì sao 2 nước này từ chối?

Kế hoạch ủng hộ “sáng kiến vaccine” của WHO nhằm tạo cơ chế phân phối vaccine ngừa COVID-19 công bằng với các nước nghèo được nhiều quốc gia tham gia. Tuy nhiên hai nước đứng đầu thế giới từ chối tham gia kế hoạch này.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra kế hoạch “sáng kiến vaccine có tên gọi COVAX” nhằm phân phối vaccine COVID-19 công bằng trong tương lai, mục đích tạo điều kiện các nước nghèo được bảo đảm lợi ích tốt nhất.

Đến nay đã có 156 quốc gia trên toàn thế giới đã tham gia vào kế hoạch này. Tuy nhiên, hai quốc gia đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua vaccine toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc lại từ chối tham gia mặc dù 2 nước này có loại vaccine sắp hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trong sáng kiến COVAX do WHO đề ra, đã có 64 nước giàu tham gia và dự kiến sẽ có thêm 38 nước nữa gia nhập trong vài ngày tới. Hơn 90 nước nghèo sẽ có cơ hội tiếp cận vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên thế giới.

Theo kế hoạch, sáng kiến sẽ giúp phân phối 2 tỉ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, trong đó sẽ ưu tiên cho lực lượng nhân viên y tế và những đối tượng dễ bị tổn thương do dịch.

“Sáng kiến vaccine” của WHO đang được nhiều quốc gia ủng hộ. Ảnh: Reuters

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nói rằng: "COVAX sẽ cho thế giới danh sách các ứng viên vaccine đa dạng và lớn nhất thế giới. Đây không phải là từ thiện mà là vì lợi ích của mọi quốc gia. Chúng ta cùng nhau bơi hoặc cùng nhau chìm. Đây không chỉ là điều đúng đắn phải làm mà còn là một hành động thông minh".

Được biết, Mỹ tuyên bố không tham gia vào kế hoạch này. Chính quyền của Tổng thống Trump thậm chí chi tiền để mua gom vaccine COVID-19 thông qua các giao dịch song phương. Cùng đó, Trung Quốc cũng không tham gia vào kế hoạch của WHO dù trước đó nước này đã từng tuyên bố vaccine COVID-19 do nước này phát triển sẽ được sử dụng như một loại hàng hóa công cộng toàn cầu. Tuy nhiên, WHO cho biết họ sẽ cố gắng đàm phán thêm với Bắc Kinh.

Tại diễn biến khác, phát biểu qua video tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết rằng, năng lực sản xuất vaccine của nước này sẽ được tận dụng để đáp ứng nhu cầu của “cả nhân loại” trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters

"Là quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, tôi muốn đưa ra một cam kết với cộng đồng thế giới hôm nay. Đó là, năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ sẽ được sử dụng để giúp cả nhân loại trong việc chiến đấu với cuộc khủng hoảng này", Thủ tướng Narendra Modi phát biểu.

Ông Modi cho biết thêm, Ấn Độ cũng đang tiếp tục các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 - các cuộc thử nghiệm quy mô lớn vốn được xem là "tiêu chuẩn vàng" để xác định sự hiệu quả và an toàn của vaccine trước khi đưa vào sử dụng. Ấn Độ sẽ giúp tất cả quốc gia tăng cường chuỗi cung ứng lạnh và năng lực lưu trữ của họ dành cho việc phân phát vaccine.

Tính đến ngày 28/9, tổng số ca bệnh trên toàn thế giới đã hơn 33,2 triệu người, trong đó có trên 1 triệu bệnh nhân tử vong. Hiện ba nước vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc và số ca tử vong là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.