Sau vụ nổ ở Beirut, hơn 50% số bệnh viện Lebanon không thể hoạt động

Tổ chức WHO cho biết, sau vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8, hơn một nửa số cơ sở y tế ở thủ đô Beirut của Lebanon đã “không thể hoạt động”. WHO đã kêu gọi viện trợ cho quốc gia này.

Ngày 12/8, tại cuộc họp báo trực tuyến ở Cairo (Ai Cập), ông Richard Brennan - người phụ trách các vấn đề khẩn cấp khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hơn một nửa số cơ sở y tế ở thủ đô Beirut của Lebanon "không thể hoạt động" sau vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 làm hơn 170 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương và 300.000 người mất nhà cửa.

Ông Richard Brennan nói rằng, sau khi đánh giá 55 cơ sở lâm sàng và trung tâm y tế ở Beirut, "chúng tôi biết rằng hơn 50% không hoạt động", trong số này có 3 bệnh viện lớn. Ngoài ra, 3 bệnh viện đang hoạt động dưới công suất bình thường, khi phải giảm 500-600 giường bệnh.

Hơn một nửa số cơ sở y tế ở thủ đô Beirut của Lebanon bị phá hủy sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AP

Được biết, các bệnh viện ở Beirut là nơi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân quanh vùng, đang phải chật vật để tồn tại khi nguồn lực tài chính bị suy giảm từ cuối năm ngoái. Cơ sở vật chất tại các bệnh viện thiếu thốn đủ thứ khi hàng triệu USD vẫn chưa được nhà nước giải ngân.

Cùng đó, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng, khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Nhưng tệ hơn nữa, vụ nổ kinh hoàng ở Beirut đã làm nhiều bệnh viện bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại. Tổ chức WHO đã kêu gọi quyên góp 76 triệu USD nhằm chi trả cho các nhu cầu y tế khẩn cấp tại quốc gia này.

Cũng theo thông tin từ WHO, việc quá nhiều người bị mất nhà cửa có nguy cơ đẩy nhanh tốc độ lây lan COVID-19 tại Lebanon. Theo thống kê mới nhất ngày 11/8, Lebanon ghi nhận thêm 309 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, cao nhất từ tháng hai. Tổng cộng nước này ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm nCoV với 87 ca tử vong.