Sự phi lý

Thắt chặt chi tiêu dành tiền đi chợ hay cắt giảm những thứ phải mua hằng ngày là hai phương án người nội trợ phải đặt ra trong thời điểm nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều người lao động bỗng dưng mất việc, nghỉ không lương, giảm thu nhập. Chính phủ cũng có những chính sách kịp thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động nhưng hằng ngày họ vẫn đang đối mặt với việc giảm chất lượng sống.

Trong khi giá một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đầu vào như điện, xăng dầu... đã giảm nhưng số tiền phải chi trả dù đã "thắt lưng buộc bụng" vẫn cao. Để hỗ trợ khách hàng, ngành điện đã giảm giá 10% cho những hộ sử dụng dưới 300kwh/tháng. 10% không nhiều, tối đa khoảng 62.000 đồng/tháng/hộ và tối thiểu chỉ hơn 8.000 đồng. Trong bối cảnh thất nghiệp, giảm thu nhập như hiện nay thì sự chia sẻ này rất đáng quý.

Nhưng giá điện tới tháng 5 mới bắt đầu giảm thì gần 3 tháng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hóa đơn điện của hầu hết các gia đình đều tăng. Thời điểm giãn cách xã hội, con không đi học, cha mẹ ít đi làm nên tiền điện, nước, gas... bỗng nhiên tăng vọt. Nên điện dù giảm giá nhưng số tiền hàng tháng phải trả vẫn cao hơn mức bình thường.

Xăng cũng giảm giá mạnh, nhưng người tiêu dùng không vui nổi. Bởi xăng giảm đúng thời điểm giãn cách xã hội, người dân ít ra đường. Đổ một bình xăng cả tháng đi không hết. Lần giảm giá xăng này, thị trường không còn tuân thủ quy luật thông thường là giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giảm theo xăng. Dù xăng đã giảm tới 5.000 đồng/lít nhưng giá hàng hóa vẫn đứng yên, thậm chí tăng cao hơn.

Thịt lợn là món ăn thiết yếu trong mâm cơm của mỗi gia đình vẫn không ngừng tăng với mức giá dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tiệm cận mức 100.000 đồng/kg. Dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu (đầu tháng 4), kéo giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, mức giá đã được tính toán, vẫn lời lớn cho người chăn nuôi.

Thế nhưng phớt lờ chỉ đạo, bất chấp giá xăng giảm trên thị trường, giá thịt lợn vẫn tăng phi mã. Nên giá xăng dầu dù giảm mạnh nhưng người tiêu dùng chỉ biết thở dài.

Chính phủ đã phải thực hiện gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, giá cả nhiều mặt hàng lại bất chấp tất cả để tăng giá trục lợi là điều không thể chấp nhận được.

Mới đây, trong một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết kéo mặt bằng giá xuống đúng giá trị thực để giảm khó cho dân và kiểm soát lạm phát. Đây chính là giải pháp hỗ trợ được nhiều người và hiệu quả nhất trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng mới nhanh chóng kìm chế được lạm phát, nâng cao mức sống của nhân dân. Hơn thế nữa, không chỉ thời điểm khó khăn hiện tại mà cả sau này các cơ quan chức năng liên quan cũng không nên để giá thị trường không tuân thủ theo quy luật tồn tại. Đó là sự phi lý khó chấp nhận.