Telehealth: Hội chẩn từ xa cứu nam thanh niên suy đa tạng vì ong vò vẽ đốt… 53 nốt

Tại buổi hội chẩn qua Telehealth, nam bệnh nhân được chỉ định ngừng lọc máu, tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh, tránh để xảy ra biến chứng.

Khai thác tiền sử được biết, trưa cùng ngày, bệnh nhân có đi bắt ong vò vẽ nhưng không may bị ong đốt, tổng số lượng là 53 nốt trên các vùng đầu, mặt và cổ.

Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện gần đó cấp cứu nhưng tình trạng ngày càng nặng nên được chuyển đến Bệnh viện khu vực Ngọc Lặc để điều trị.

Tại bệnh viện, các vết ong đốt trên cơ thể người bệnh bị sưng nề, đau nhức nhiều. Nước tiểu qua ống xông màu đỏ nâu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị tiêu cơ vân cấp, suy đa tạng do ong vò vẽ đốt.

Ngay lập tức, người bệnh được cho thở ôxy, bù dịch điện giải và điều trị theo đúng phác đồ. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh, có ý thức, nước tiểu màu đỏ thẫm.

Nhận thấy tình trạng bệnh vẫn tiến triển phức tạp, bệnh nhân được chỉ định lọc máu ngắt quãng với thời gian mỗi lần lọc kéo dài 5 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, để có hướng xử trí tiếp theo cho ca bệnh này, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc đã quyết định đưa ca bệnh ra xin ý kiến hội chẩn tại buổi khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại đầu cầu Hà Nội, sau khi nghe báo cáo từ phía Ngọc Lặc, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gửi lời chúc mừng đến Bệnh viện Ngọc Lặc đã có chẩn đoán và xử trí kịp thời cứu sống tính mạng người bệnh.

ThS.BS Nguyễn Tất Thành – Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhận định, trường hợp này đã được cấp cứu và xử trí rất tốt, các dấu hiệu lâm sàng ở người bệnh đang có tiến triển khả quan. 

Theo BS Thành, về lý thuyết, khi bị ong đốt trên 3 nốt được xem là nặng; trên 10 nốt sẽ có nguy cơ suy thận cấp. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu bị ong đốt trên 50 nốt ong đốt, nguy cơ tử vong lên đến hơn 20%.

Trong khi đó, ở trường hợp này, người bệnh bị ong đốt tổng cộng 53 nốt vào các vùng đầu, mặt cổ, đến thời điểm này đang có tiến triển tốt lên, chứng tỏ việc điều trị đã đúng phác đồ, đang đem lại kết quả tốt.

Liên quan đến vấn đề xử trí tiếp theo ở ca bệnh này như thế nào, bệnh nhân có cần tiếp tục cho lọc máu hay không, BS Thành cho biết, thời điểm kết thúc lọc máu dựa vào 2 vấn đề. Một là theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày; hai là đo độ thanh thải creatinin (phương pháp thu thập các mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ). Các bác sĩ điều trị sẽ dựa vào các chỉ số đó để quyết định khi nào thì cho bệnh nhân ngừng lọc máu.

Với bệnh nhân này, sau khi được lọc máu 3 lần, tình trạng bệnh cải thiện tốt, bệnh nhân không còn chỉ định lọc máu. Do đó, theo BS Thành, các bác sĩ ở Ngọc Lặc nên cho bệnh nhân ngừng lọc máu.

Dù người bệnh đã có tiến triển tốt, được chỉ định ngừng lọc máu, tuy nhiên, tại buổi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý, phía Ngọc Lặc vẫn cần chú ý theo dõi nước tiểu và điện giải cho bệnh nhân xem điện giải có bị rối loạn không vì giai đoạn đái trở lại này nguy cơ rối loạn rất cao, nhất là tình trạng rối loạn kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim, rối loạn điện tâm đồ, nguy hiểm với sức khỏe người bệnh.

Cùng với đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đề nghị các bác sĩ tiếp tục theo dõi monitoring, điện tâm đồ cho bệnh nhân mỗi ngày một lần. Với bệnh nhân này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận định, việc theo dõi, điều trị tốt, bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục và trở về cuộc sống bình thường.