Thách thức và bản lĩnh

Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, lao động thất nghiệp. Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Nhưng có thể đứng dậy sau dịch hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba. Đó chắc chắn sẽ là những doanh nghiệp cũng không "ngồi yên" chờ chính sách hỗ trợ mà tự tìm ra những biện pháp ứng phó riêng. Cùng lúc thực hiện mục tiêu "kép" vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời có dịch.

Theo con số khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đợt cuối tháng 3/2019, có đến 73% doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động; 46% doanh nghiệp chủ động giảm giờ làm; 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc trực tuyến…

Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua đi, điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ bước ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái như thế nào? Khi xảy ra những biến cố diện rộng, doanh nghiệp nào nhanh chóng lập ra được những khả năng để tự thích ứng mới có thể vượt qua khó khăn.

Còn nhớ cách đây 3 năm, khoảng 90% công trình xây dựng ở đảo quốc Dominica bị phá hủy chỉ sau một đêm do cơn bão Maria. Mọi hoạt động xã hội và nền kinh tế hoàn toàn tê liệt. Nhưng đất nước này đã hồi phục và theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng: Trở thành quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới.

Dominica đã hồi sinh mạnh mẽ, dù có những "vết sẹo" nhưng những vết sẹo đó là để người dân nơi này khắc cốt ghi tâm rằng những cơn bão có cường độ của Maria vẫn luôn tiềm tàng, cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó.

Với doanh nghiệp Việt Nam trong mùa dịch COVID-19 cũng vậy. Điều quan trọng nhất là tìm ra cách ứng phó và trang bị tâm thế đứng dậy sau dịch. Đặt mình trước những thách thức cần giải quyết như: Tác động của COVID-19 gây ra với người lao động, khách hàng, đối tác kinh doanh; quản lý dòng tiền ngắn hạn và kéo dài sức chịu đựng trong thời kỳ khó khăn; xây dựng kế hoạch chi tiết để phục hồi kinh doanh nhanh nhất khi dịch bệnh thuyên giảm; định hình rõ giai đoạn kinh doanh tiếp theo, tiến tới cải tổ và đổi mới. Trong đó, giải pháp cần làm trước mắt là cắt giảm chi phí tối đa; phát triển chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ, đổi mới mô hình tiếp thị, mô hình kinh doanh…

Để vượt qua được giai đoạn khó khăn, điều quan trọng nhất của người đứng đầu là phải thật bình tĩnh trong khủng hoảng; tự tin, linh hoạt dẫn dắt doanh nghiệp vượt khó; tăng cường kết nối trực tuyến giữa các cấp nhân sự để nhận biết và ứng biến tình huống nhanh nhất có thể.

Với doanh nghiệp có thực lực về tài chính trong thời điểm này cũng cần chứng minh nội lực của mình, bởi vì không chỉ nhân viên mà các khách hàng, đối tác cũng sẽ nhìn vào điểm này đầu tiên để cân nhắc hợp tác lâu dài trong tương lai.

Dịch COVID-19 cũng là phép thử với các doanh nghiệp, là cơ hội để thị trường sàng lọc và rèn luyện. Trong khó khăn bao giờ cũng hình thành những cơ hội, doanh nghiệp nào đủ nhanh nhạy và bản lĩnh mới nắm bắt được. Sau dịch bệnh, thị trường sẽ như chiếc lò xo bị nén, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sớm biết nắm bắt cơ hội và vận mệnh.