Thắng trong thế chủ động

Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã có nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc “chống dịch như chống giặc”. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra giải pháp “điều hành kép”, tức là vừa phòng chống dịch, vừa giữ ổn định nền kinh tế.

Hiện nay, công cuộc phòng chống dịch bệnh ở nước ta đã có chuyển biến tích cực. Chúng ta vừa nới lỏng giãn cách xã hội và đây cũng chính là thời điểm "vàng" để vừa chống dịch, vừa khởi động trở lại nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này, rất cần Chính phủ phải có các giải pháp như: "Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh thể chế"; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cũng như chi phí, vướng mắc, tồn tại… cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch, song cũng cần thắng trong thế chủ động và phát triển, chứ không phải là trong tình trạng "kiệt sức". Chính vì vậy, Chính phủ đã chủ động thực hiện một loạt biện pháp, chính sách chống suy thoái kinh tế, đảm bảo tăng trưởng.

Suốt 3 tháng qua, dù căng mình chống dịch COVID-19 nhưng chúng ta đã có những phương án tốt nhất hỗ trợ một bộ phận người dân, người lao động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế như giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ, thuế cũng đã được triển khai. Các gói hỗ trợ tín dụng, gói tài khóa đã được tung ra và Thủ tướng Chính phủ cho rằng vẫn cần nâng cao hơn nữa. Tất cả những giải pháp này đã tạo niềm tin và sinh khí cho người dân và các doanh nghiệp.

Dịch bệnh khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhiều quốc gia đã và đang khủng hoảng cả về y tế lẫn kinh tế. Dịch bệnh như một phép thử về sức bền cũng như sự ứng phó của mỗi nước. Việt Nam, ngay từ đầu với thế chủ động của mình đã làm giảm tối đa những tác động và thiệt hại từ dịch COVID-19. Với sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, tin tưởng của người dân, bước đầu chúng ta đang khống chế được đại dịch và bắt tay vào khởi động lại nền kinh tế.

Ngay lúc này, bài học sâu sắc nhất chúng ta đã trải qua với sự đoàn kết, chung tay góp sức người, sức của sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta trở lại với sự phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi mỗi người, mỗi doanh nghiệp không chỉ trông chờ và dựa dẫm vào Chính phủ mà cần cùng thay đổi phương thức sản xuất, thích nghi với những xu hướng mới, làm chủ và xoay chuyển tình thế. Với trí tuệ, bản lĩnh và nguồn lực ổn định, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng toàn diện trên trận chiến này.