Thành lập liên minh toàn cầu mới tiến tới loại bỏ bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030

Liên minh toàn cầu mới về chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030 đã được các nhân vật hàng đầu công bố tại Hội nghị AIDS quốc tế diễn ra ở Montreal, Canada mới đây.

Theo số liệu vừa được công bố trong báo cáo cập nhật về tình hình bệnh AIDS toàn cầu 2022 của UNAIDS cho thấy, trên toàn cầu, chỉ một nửa (52%) trẻ em nhiễm HIV được điều trị cứu sống, trong khi đó ở người lớn là 76%.

Để đảm bảo không trẻ em nào nhiễm HIV bị từ chối điều trị vào cuối thập kỷ này và để ngăn ngừa nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh mới, UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS), UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và các đối tác đã thành lập một liên minh toàn cầu mới, nhằm khắc phục tỷ lệ chênh lệch trong ứng phó với AIDS ngày càng lớn giữa trẻ em và người lớn và chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030.

 Vẫn còn sự chênh lệch lớn trong điều trị cứu sống trẻ em nhiễm HIV so với người lớn.

Ngoài các cơ quan của Liên hợp quốc, liên minh bao gồm các phong trào xã hội dân sự, bao gồm Mạng lưới toàn cầu của những người sống với HIV, chính phủ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các đối tác quốc tế, bao gồm PEPFAR và Quỹ Toàn cầu. 

12 quốc gia đã tham gia liên minh trong giai đoạn đầu: Angola, Cameroon, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Kenya, Mozambique, Nigeria, Nam Phi, Uganda, Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Zambia, và Zimbabwe.

Liên minh xác định bốn nhóm hành động chính, bao gồm:
- Thu hẹp khoảng cách điều trị cho trẻ em gái vị thành niên mang thai và cho con bú, phụ nữ sống chung với HIV, tối ưu hóa việc điều trị thường xuyên;
- Phòng ngừa và phát hiện các ca nhiễm mới HIV ở trẻ em gái, trẻ vị thành niên đang mang thai và cho con bú;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét nghiệm, điều trị tối ưu và chăm sóc toàn diện cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên bị phơi nhiễm và sống chung với HIV;
- Giải quyết các quyền lợi, vấn đề bình đẳng giới, các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ điều trị.

Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Catherine Russell cho biết: Bất chấp những tiến bộ nhằm giảm lây truyền dọc, tăng cường xét nghiệm và điều trị, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thông tin, trẻ em trên khắp thế giới vẫn ít khả năng được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV. Sự ra mắt của Liên minh toàn cầu nhằm chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em là một bước tiến quan trọng - và UNICEF cam kết làm việc cùng với tất cả các đối tác để đạt được một tương lai không có AIDS.

Theo giám đốc Điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima cho biết: Bằng cách tập hợp các loại thuốc cải tiến mới, cam kết chính trị mới và sự tích cực quyết tâm của cộng đồng... chúng ta có thể chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em.