Thời trang hàng hiệu giảm giá sốc, vì sao giới trẻ vẫn 'ngó lơ'?

GĐXH - Thời điểm này, các thương hiệu thời trang bắt đầu đua nhau giảm giá. Mức giảm lên đến 70%, thậm chí là áp dụng một mức giá rẻ trên một sản phẩm. Song, nhiều người tiêu dùng không mặn mà.

Ngày 18/3, ghi nhận của phóng viên cho thấy, những ngày bước vào thời điểm giao mùa, các thương hiệu  thời trang như Nem, Elise, Ivy-moda… bắt đầu đua nhau giảm giá. Mức chiết khấu từ 50 – 75% giá trị sản phẩm.

Đơn cử như  thương hiệu thời trang Nem, ngoài mức giảm đến 50%/sản phẩm thu đông, thương hiệu này còn triển khai chương trình đồng giá từ 199.000 đồng/sản phẩm váy, quần, áo sơ mi nữ.

Mặc dù là hàng hiệu nhưng sau giảm giá, mỗi chiếc váy đầm Peplum thiết kế màu đen từ 1.199.000 đồng giảm xuống còn 357.700 đồng (mức giảm tương ứng 70%); Hoặc chiếc váy đầm xếp ly màu đen có giá niêm yết 1.899.000 đồng giảm xuống còn 569.700 đồng.

 

Thương hiệu thời trang Nem đang áp dụng giảm giá sâu.

Sản phẩm có giá rẻ nhất của thương hiệu là áo len tay bồng và áo khoác len tay dơi, có giá bán sau chiết khấu là 199.000 đồng.

Tương tự, một số váy, áo thiết kế mang thương hiệu Elise cũng áp dụng giảm đến 75% giá trị sản phẩm. 

Đơn cử chân váy xếp tầng chéo có giá niêm yết từ 1.398.000 đồng, nay chỉ còn 349.500 đồng; hoặc sản phẩm sơ mi lụa ghi bèo vai có giá sau giảm còn 237.000 đồng, trong khi giá niêm yết là 948.000 đồng.

Thương hiệu này áp dụng giảm giá 75% trên đa dạng các sản phẩm, mẫu mã như váy, chân váy, áo sơ mi, jupe, đầm, quần sooc… Nằm trong danh mục các sản phẩm giảm giá không chỉ có mặt hàng thu đông, mà có cả các sản phẩm dành cho mùa hè.

 

Một số váy, áo thiết kế mang thương hiệu Elise cũng áp dụng giảm đến 75% giá trị sản phẩm.

Với thương hiệu thời trang Ivy-Moda, ngoài mức giảm đến 75%/sản phẩm, thương hiệu này còn giảm thêm 10% cho hóa đơn mua từ 2 sản phẩm trở lên.

Có thể thấy rằng, đây là thời điểm thích hợp để các tín đồ hàng hiệu "săn" hàng thời trang "xịn" với mức giá có lợi nhất. 

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên từ nhiều bạn đọc là nhân viên văn phòng cho thấy, bên cạnh những trường hợp chuyên "săn" hàng hiệu giảm giá để tiết kiệm túi tiền thì nhiều người đều không mặn mà với hàng hiệu.

Chị Đỗ Thị Q (37 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) có mức thu nhập thụ động hơn 50 triệu đồng/tháng từ việc cho thuê căn hộ mini nhưng chị Quyên không quá quan tâm những món hàng hiệu, kể cả là sản phẩm giảm giá.

Bởi sau dịch COVID-19, điều chị Q quan tâm chính là sức khỏe của bản thân và gia đình.

 

Thời điểm này, các thương hiệu thời trang bắt đầu đua nhau giảm giá. Mức giảm lên đến 70%, thậm chí là áp dụng một mức giá rẻ trên một sản phẩm. Song, nhiều người tiêu dùng không mặn mà.

Chị Q cho biết, trước đây, chị sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng cho những chiếc túi hiệu và những bộ thời trang thiết kế. Thậm chí những mặt hàng được chị Q sở hữu đều nằm trong bộ sưu tập mới, thiết kế mới. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, chị Q nhận thấy rằng, thời trang không còn quá quan trọng và được chị ưu tiên.

Do đó, chị Q đã thay đổi quan điểm: "Thời trang không cần quá xịn, đẹp, chỉ cần bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Tôi vẫn mua những chiếc túi mới với giá trị vài triệu nhưng tôi sẽ cân đo đong đếm và rất cần thiết, tôi mới mua".

Theo chị Q, thay vì "bon chen" với những sản phẩm thời trang mới, là hàng hiệu, chị Q đã mua những gói tập thể thao và thường xuyên theo đuổi đam mê thể thao để nâng cao sức khỏe.

Chị Lương Thị Hằng (27 tuổi, ở Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tương tự.

Trước đây, chị Hằng thường xuyên cho vào "list" các sản phẩm đẹp, mẫu mới của năm để tranh thủ mua sắm khi có thời gian thì sau dịch COVID-19, chị Hằng đã thay đổi quan điểm mua sắm là chỉ mua những thứ bản thân cảm thấy cần thiết. Số tiền lẽ ra sẽ dành cho mua sắm như trước đây, chị Hằng dành để mua vàng.

Chị Hằng cho biết: "Đồng tiền càng mất giá, dòng tiền càng dư và lãi suất ngân hàng càng thấp thì vàng chính là nơi trú ẩn an toàn. Do đó, từ năm 2022 đến nay, từ số lương, phụ cấp 15 triệu/tháng, tôi sẽ trích ra một nửa để đi mua vàng và gửi tiết kiệm tích lũy. Số còn lại, tôi cân đối chi tiêu".

Theo chị Hằng, đây là phương án chi tiêu khi chị chưa lập gia đình. Sau khi "yên bề gia thất", chị Hằng khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi phương án tiết kiệm này để đảm bảo dòng tiền.