Trung Quốc xuất hiện đợt lây lan COVID-19 rộng nhất, Indonesia phát hiện hàng trăm ca mắc biến thể nội địa

Trung Quốc tiếp tục đối mặt với làn sóng COVID-19 mới khi dịch bệnh đã lan ra ít nhất 13 thành phố. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này được cho là có quy mô lớn nhất trong vòng 7 tháng qua. Trong khi tại Indonesia phát hiện hàng trăm ca mắc biến thể nội địa

Thời gian gần đây, Trung Quốc phát hiện ổ dịch COVID-19 liên quan đến một sân bay tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đang lan rộng dù chính quyền đã cho xét nghiệm hàng loạt và tiêm chủng. Đợt bùng phát bắt đầu vào ngày 20/7 sau khi 9 công nhân tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu (thành phố Nam Kinh) dương tính với COVID-19.

Từ đó đến nay, tỉnh Giang Tô ghi nhận 171 ca bệnh trong khi ổ dịch đã lây lan sang ít nhất 13 thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc), và thành phố Đại Liên – thủ phủ tỉnh Liêu Ninh (Đông Bắc Trung Quốc). Đây là đợt bùng dịch lớn nhất trong nhiều tháng qua ở Trung Quốc, thách thức nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh dù nước này đã thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa và truy vết nhanh chóng.

Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo TTO, hầu hết bệnh nhân COVID-19 trong đợt bùng dịch mới nhất tại Trung Quốc đều đã tiêm vaccine. Trước tình hình dịch bệnh ở Nam Kinh diễn biến phức tạp, nhà chức trách tỉnh Giang Tô đã phải tiến hành phong tỏa hàng trăm nghìn người dân, đồng thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Thành phố này cũng đã thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ 9,2 triệu dân lần thứ 2 trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây lan cao đang cản trở nỗ lực ngăn chặn đại dịch tại Trung Quốc.

Đến nay, Trung Quốc có 92.811 ca bệnh, trong đó có 4.636 ca tử vong. Quốc gia này đang tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu tiêm cho ít nhất 65% trong 1,5 tỉ dân của nước này vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, tại Indonesia, giới chức nước này thông báo đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2. Trên TTXVN, bà Siti Nadia Tarmizi - người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia cho biết, biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách “cảnh báo cần theo dõi thêm” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Biến thể này hiện không thuộc danh sách “biến thể đáng quan ngại" (VoC, gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta), hay danh sách “biến thể đáng quan tâm (VoI, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda).

Indonesia phát hiện hàng trăm ca mắc biến thể nội địa. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến ngày 27/7, quốc gia này đã phát hiện 1.016 ca mắc 3 biến thể VoC, trong đó có 60 ca mắc biến thể Alpha, 13 ca mắc biến thể Beta và 943 ca mắc biến thể Delta.

Do sự lây lan nhanh của dịch bệnh, bắt đầu từ tháng 8 tới, lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia sẽ triển khai 17.000-18.000 nhân viên truy vết COVID-19 tại các địa phương trên khắp cả nước. Cùng đó, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho tất cả các cấp làm mọi cách để giảm thiểu số người tử vong do COVID-19. Theo chỉ thị này, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan đã yêu cầu tất cả các bộ ngành và địa phương tăng cường các nỗ lực xét nghiệm, truy vết và điều trị (3T) với mục tiêu soát xét ít nhất 8 người tiếp xúc gần mỗi bệnh nhân COVID-19.