Từ 1/7/2025, những đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu lần 3?

Những đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu lần 3 khi Luật Bảo hiểm 2024 chính thức có hiệu lực? Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan để người hưởng chế độ tham khảo.

Những đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?

Tại Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định thời điểm và mức điều chỉnh tăng lương hưu:

- Từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

- Từ ngày 1/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:

+ Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;

+ Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.

- Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Căn cứ tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về mức lương hưu hằng tháng:

- Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật này được tính như sau:

Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;

- Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này.

Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về điều chỉnh lương hưu:

- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

- Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

- Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.

Theo đó, tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP như sau:

- Lần 1: Tăng 15% trên mức lương hưu của tháng 6 năm 2024.

- Lần 2: Tăng lương hưu lên 3.500.000 đồng/tháng hoặc tăng thêm 300.000 đồng.

Trường hợp này chỉ áp dụng khi đã được tăng lương hưu 15% nhưng vẫn có mức lương hưu dưới 3.500.000 đồng/tháng, cụ thể:

+ Tăng lên 3.500.000 đồng/tháng: đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.

+ Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng: đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng.

- Lần 3: Tăng lương hưu để thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Theo đó, từ 1/7/2024 đã chính thức tăng lương hưu 2 lần vượt hơn 15% cho người nghỉ hưu trước năm 1995 nhưng có mức lương hưu mới dưới 3.500.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực tức quy định sẽ thực hiện tăng lương hưu thỏa đáng đối với người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Do đó, đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tiếp tục tăng lương hưu lần 3.

 Theo quy định, đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tiếp tục tăng lương hưu lần 3. Ảnh minh họa: TL

Lương hưu là gì?

Lương hưu – hay còn gọi là chế độ hưu trí hoặc là chế độ, khoản phí được chi trả cho những người lao động đã đến độ tuổi về hưu (hết tuổi lao động) theo quy định của pháp luật. Chế độ này sẽ giúp bảo đảm cho người lao động khi về già sẽ có khoản chi phí cần thiết để chi trả cho nhu cầu sống cơ bản, chăm sóc sức khỏe của bản thân. Bạn sẽ được hưởng lương hưu khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước đó.

Cơ quan nào thực hiện việc chi trả lương hưu?

Căn cứ tại Điều 16 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định: Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan Nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan Nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

Căn cứ tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội

- Trợ cấp hưu trí xã hội có các chế độ sau đây:

+ Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng;

+ Hỗ trợ chi phí mai táng;

+ Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

+ Ốm đau;

+ Thai sản;

+ Hưu trí;

+ Tử tuất;

+ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

+ Trợ cấp thai sản;

+ Hưu trí;

+ Tử tuất;

+ Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

- Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Từ những quy định nêu trên có thể thấy hưu trí là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội.

Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ là nơi chi trả lương hưu cho những đối tượng được hưởng lương hưu.