Từ vụ tái chế hàng trăm nghìn bao cao su đã qua sử dụng: Làm sao để quản lý được chất lượng bao cao su trên thị trường?

Tại Việt Nam, bao cao su đang được lưu thông trên thị trường với nhiều chủng loại, mẫu mã, màu sắc và trong số đó có nhiều hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn chưa được quản lý về chất lượng sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Đặng Quỳnh Thư - Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng hơn 100 nhãn hiệu bao cao su khác nhau nhưng trong số đó chỉ có một số rất nhỏ được sản xuất trong nước, còn chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài qua ngạch chính thống và tiểu ngạch. 

Theo bà Đặng Quỳnh Thư, do bao cao su thuộc hàng hóa thông thường (nhóm 1) nên khi nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam, chất lượng bao cao su chủ yếu thông qua tiêu chuẩn tự công bố của nhà sản xuất.

Chính vì thế, bao cao su trên thị trường chưa có cơ quan chuyên môn nào kiểm tra về chất lượng sản phẩm mà mới chỉ được cơ quan quản lý thị trường kiểm tra về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn. Do đó, nếu chất lượng bao cao su không được đảm bảo, nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng là rất cao.

"Khi sử dụng bao cao su không đạt chuẩn, chất lượng kém không chỉ dẫn đến những hậu quả như mang thai và sinh con ngoài ý muốn, làm gia tăng tình trạng nạo phá thai, HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng", Vụ trưởng Đặng Quỳnh Thư nhấn mạnh.

Bà Đặng Quỳnh Thư cho biết thêm, trên thế giới, để quản lý chất lượng các phương tiện tránh thai, trong đó có bao cao su nam, nhiều nước đã áp dụng công bố quy định về tiêu chuẩn. Đây là những tiêu chuẩn tối thiểu mà sản phẩm cần đạt được về vận hành, chất lượng, độ an toàn và các phép thử tương ứng. Sản phẩm, hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn này mới được mua, bán, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số quốc gia dựa vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO); một số nước khác quản lý chất lượng bằng cách xây dựng tiêu chuẩn riêng về bao cao su dựa vào tiêu chuẩn quốc tế ISO.

Tại Việt Nam, bao cao su đang được lưu thông trên thị trường với nhiều chủng loại, mẫu mã, màu sắc và trong số đó có nhiều hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn chưa được quản lý thông qua quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quy định trong dược điển. Vì vậy, các nhà sản xuất hoặc đơn vị xuất nhập khẩu bao cao su hầu hết vẫn đang tự áp dụng theo tiêu chuẩn ISO và việc áp dụng chỉ mang tính chất tự nguyện, chưa bắt buộc.

Do đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Đặng Quỳnh Thư cho rằng, để đảm bảo chất lượng các phương tiện tránh thai nói chung, bao cao su nói riêng, cần xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao cao su nam và giao cho đơn vị quản lý nhà nước làm đầu mối xây dựng để có công cụ, cơ sở pháp lý quản lý chất lượng, kiểm tra, giám sát đảm bảo được chất lượng sử dụng, an toàn sức khỏe cho người sử dụng.