Rươi Tứ Kỳ
Về Tứ Kỳ - Hải Dương mà không thưởng thức những món rươi ở đây thì quả thực là điều tiếc nuối. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này.
Chả rươi được làm theo phương thức gia truyền, thơm lừng hấp dẫn. Món rươi có thể “đánh gục” cả những người có khẩu vị khó tính nhất. Vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà, và mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm hấp dẫn lưu lại hương vị khó quên. Ngoài chả rươi còn có món nem rươi, lẩu rươi, rươi rang muối… cũng được ưa thích.
Rươi chỉ xuất hiện vào tháng 9, 10, 11 âm lịch và không phải lúc nào cũng có hàng nên đây là đặc sản mà chị em nội trợ luôn phải "tranh thủ" tìm mua. Giá mỗi cân rươi trung bình từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.
Gà Mạnh Hoạch
Gà tươi Mạnh Hoạch nổi tiếng khắp cả nước 20 năm nay không phải là một loại gà như ông cha ta vẫn gọi như: gà ri, gà Tam Hoàng, gà chọi… mà là tên một thương hiệu xuất phát từ ông “vua gà” đến từ Hải Dương– Phạm Hồng Hoạch.
Từ một quán nhỏ do ông Phạm Hồng Hoạch làm chủ đến nay đã trở thành một thương hiệu có hệ thống nhà hàng trên khắp cả nước thu hút nhiều thực khách gần xa và là một món ngon mà dân sành ăn nhắc đến như một món ăn không thể bỏ qua của ẩm thực miền Bắc Việt Nam nói chung và ẩm thực Hải Dương nói riêng.
Bánh cuốn
Về thành phố Hải Dương, bạn hãy tìm đến con phố Bắc Sơn và thưởng thức món bánh cuốn nơi đây. Bánh cuốn Hải Dương không có nhân thịt mộc nhĩ như bánh cuốn các vùng miền khác. Bánh cuốn ở đây là những tấm bánh mỏng mướt, trắng trong, béo ngậy mà vẫn thanh mát. Bánh được ăn kèm với hành khô phi giòn, bùi, thơm. Bạn có thể gọi thêm chả thịt hoặc chả lá lốt. Điểm nhấn của bánh cuốn chính là nước mắm. Nước mắm được pha vừa ăn, có vị ngọt của đường, chua của dấm, cay cay của vài lát ớt.
Cái làm nên thương hiệu bánh cuốn Hải Dương bao nhiêu năm trước đến bây giờ vẫn không thay đổi: bát nước chấm vàng sóng sánh, thơm dìu dịu mùi nước mắm ngon, chua thanh thanh vị giấm, loáng thoáng những chấm ớt đỏ tươi và bột hạt tiêu đen nhánh. Gỡ lá bánh mỏng tang, nhúng vào bát nước để thấm đẫm vị mặn, ngọt, chua, cay, mới thấy tiếc vì bánh cuốn Hải Dương không được nhiều người biết đến. Bây giờ, những hàng bánh cuốn ở Bắc Sơn đã vãn, nhưng miếng ngon nhớ lâu, nhiều vị khách ở nơi xa, dù chỉ một lần nếm thử bánh cuốn nơi đây, mỗi lần đến đây vẫn phải cố công tìm ăn bằng được.
Bánh lòng Kinh Môn
Bánh lòng từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống ở đây. Thế nhưng ở ngay trên mảnh đất Kinh Môn, người ta không thể thấy thứ bánh này ở quán nước hay bất cứ phiên chợ nào mà chỉ thấy trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết đón xuân về.
Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia. Chính bởi sự cầu kỳ, công phu mà ngày càng ít hộ gia đình trong hai xã An Phụ và An Sinh (thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) còn tiếp tục làm.
Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,... bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được.
Bánh dày Gia Lộc
Khách qua đường dừng chân lại thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) thường ăn chiếc bánh dày, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân. Đôi khi, chỉ một lần thưởng thức rồi nhớ mãi hương vị để lần sau có dịp đi qua nhất định lại ghé nơi này.
Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo. Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải vào bậc nghệ nhân.
Thưởng thức thứ bánh này, thực khách sẽ thấy khoan khoái, cảm nhận dư vị đậm đà của hương nếp trong từng miếng bánh quyện vơi hương thơm lá chuối. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén, ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương.