Virus corona đã có hàng chục nghìn biến thể

Hàng chục nghìn biến thể của SARS-CoV-2 đã được xác định trên phạm vi toàn cầu, song các nhà khoa học cho biết quá trình đột biến không giúp virus này lây nhiễm nhanh hơn.

Trong một nghiên cứu dựa trên dữ liệu về bộ gen của SARS-CoV-2 từ 46.723 bệnh nhân COVID-19 ở 99 quốc gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 12.700 biến thể của mầm bệnh này, Reuters đưa tin hôm 25/11.

"May mắn thay, chúng tôi chưa phát hiện bất kỳ dạng đột biến nào có khả năng đẩy nhanh quá trình lây lan của virus", giáo sư Lucy van Dorp tại Đại học London (UCL) cho biết.

Tuy nhiên, bà Dorp nói thêm rằng: "Chúng ta cần cảnh giác và tiếp tục theo dõi các chủng đột biến của mầm bệnh, đặc biệt là khi vaccine COVID-19 được phân bố và áp dụng".

Hầu hết virus đều thường xuyên biến đổi nhưng phần lớn các loại đột biến đều ở dạng trung tính, chỉ một số ít có tác động tích cực hoặc tiêu cực lên mầm bệnh.

Nghiên cứu cho thấy không biến thể nào của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm với tốc độ vượt trội. Ảnh: WHO.

Điều này khiến các nhà nghiên cứu phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh để duy trì tính hiệu quả của vaccine. Theo giáo sư Francois Balloux của UCL, kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy sự xuất hiện của hàng nghìn biến thể SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của vaccine COVID-19 hiện tại.

Nhưng giáo sư Balloux đồng thời cảnh báo rằng việc áp dụng vaccine trên diện rộng trong thời gian tới có thể khiến mầm bệnh COVID-19 biến đổi theo hướng khó lường hơn nhằm xâm nhập vào cơ thể người.

Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ UCL và Đại học Oxford của Anh, kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc tế (CIRAD) và Universite de la Reunion ở Pháp. Các nhà nghiên cứu cho biết trong số hơn 12.706 biến thể được phát hiện, có 398 chủng đột biến xuất hiện lặp lại và độc lập.