WHO: Trên thế giới không nơi nào đạt được miễn dịch cộng đồng, các nước nâng cao biện pháp đối phó COVID-19

Tổ chức WHO nhận định, thế giới không nơi nào đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19, đồng thời hối thúc chính phủ các nước cần tập trung nâng cao biện pháp ứng phó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thay vì ngồi chờ đợi vaccine.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhận định, thế giới không nên kỳ vọng vào miễn dịch cộng đồng với COVID-19 khi chưa có vaccine hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh. Các nhà khoa học tin rằng, khi khoảng 70% dân số đã mắc bệnh và phục hồi hoặc có kháng thể đối với một loại bệnh truyền nhiễm như COVID-19 thì miễn dịch cộng đồng mới có thể đạt được.

Thậm chí một số ý kiến lạc quan hơn cho rằng, chỉ cần 40-50% dân số có miễn dịch đã có thể có miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đưa ra cho thấy, đến nay chỉ khoảng 10-20% dân số thế giới có kháng thể với COVID-19. Theo các chuyên gia, nếu không có vaccine, hàng nghìn người có thể tử vong do COVID-19 nếu chính phủ nào đó tìm cách theo đuổi miễn dịch cộng đồng.

Theo WHO, thế giới không nơi nào đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ông Mike Ryan - Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO đã bác bỏ chiến lược gây tranh cãi về miễn dịch cộng đồng với COVID-19 không cần vaccine trong một buổi họp báo hôm 18/8. “Thế giới còn ở rất xa mức miễn dịch cộng đồng cần thiết để ngăn đại dịch này lây lan. Đây không phải giải pháp mà chúng ta nên cân nhắc”, ông Ryan nói.

Kể từ giai đoạn đầu mới bùng phát dịch COVID-19, Anh là một trong những quốc gia theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên chính phủ nước này đã vấp phải chỉ trích. Tiếp đó, Thụy Điển cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược gây tranh cãi này và không áp dụng biện pháp phong tỏa đất nước.

Tại một diễn biến khác, Tiến sĩ Takeshi Kasai - Giám đốc phụ trách khu vực Thái Bình Dương của WHO cho hay, chính phủ các nước cần tập trung nâng cao biện pháp ứng phó để ngăn chặn đại dịch lây lan thay vì ngồi chờ đợi vaccine. “Ngay cả khi các nước nghiên cứu, phát triển được mẫu vaccine an toàn và hiệu quả, năng lực sản xuất chắc chắn sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục nâng cao biện pháp đối phó và không thể chỉ trông đợi mỗi vào vaccine”, ông Kasai phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/8. 

Thế giới ghi nhận hơn 22 triệu người mắc COVID-19. Ảnh: AFP

Ông Kasai nhấn mạnh thêm, ở một số nơi, làn sóng lây nhiễm thứ hai này nghiêm trọng hơn làn sóng đầu tiên và sở dĩ số người mắc COVID-19 tăng mạnh là do các nước nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, hướng tới mở cửa nền kinh tế. Các nước cần sẵn sàng đối phó với nhiều đợt bùng phát và biện pháp ứng phó cần có mục tiêu sớm để hạn chế làm gián đoạn kinh tế và đời sống xã hội.

Tính đến ngày 20/8, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 22.526.729 ca, trong đó có 789.146 người thiệt mạng. Gần 1/4 số ca nhiễm được ghi nhận tại khu vực Bắc Mỹ với 5.694.668 ca; châu Á đứng thứ hai với 5.927.812 ca nhiễm; khu vực Nam Mỹ ghi nhận 5.459.104 ca; châu Âu là 3.247.284 ca; châu Phi đã vượt 1.100.000 ca nhiễm, trong khi châu Đại Dương có 26.251 ca nhiễm.