Nguyên nhân miền Bắc ghi nhận lượng mưa tháng 6 vượt kỷ lục gần 50 năm

Tô Hội 03/07/2025 13:41

Theo thống kê, tháng 6/2025, miền Bắc có tới gần 20 ngày xảy ra mưa lớn diện rộng. Một số trạm ghi nhận giá trị lượng mưa cao nhất ngày và tháng vượt giá trị lịch sử.

Lượng mưa đạt kỷ lục ở nhiều khu vực

Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tháng 6 tại Sơn La 379 mm, vượt kỷ lục năm 1995 là 11 mm; Thái Nguyên 994 mm, vượt kỷ lục năm 1979 khoảng 6 mm; Lạng Sơn 442 mm, vượt kỷ lục năm 1978 hơn 100 mm; Bắc Giang 562 mm, vượt kỷ lục năm 1986 hơn 50 mm.

Nguyên nhân miền Bắc ghi nhận lượng mưa tháng 6 vượt kỷ lục gần 50 năm- Ảnh 2.
Nhiều nơi ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong tháng 6.

Mưa nhiều nên mặc dù chính hè miền Bắc không quá nóng. Cơ quan khí tượng cho biết tháng 6 ghi nhận ba đợt nắng nóng (nhiệt độ cao nhất trong ngày trên 35 độ C) nhưng không kéo dài. Đợt đầu ngày 1-2/6, đợt hai ngày 6-8/6 và đợt ba ngày 14-15/6.

Nguyên nhân miền Bắc ghi nhận lượng mưa tháng 6 vượt kỷ lục gần 50 năm- Ảnh 3.
Thống kê lượng mưa kỷ lục trong tháng 6. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Nhiệt độ trung bình trên cả nước trong tháng 6 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (27,6 độ C), không xuất hiện kỷ lục nắng nóng nào. Nếu so với tháng 6/2024, nhiệt độ trung bình miền Bắc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C. Tháng 6/2023, cả nước xảy ra 4 đợt nắng nóng khiến nền nhiệt trung bình cao hơn 0,5-1 độ so với trung bình nhiều năm và ghi nhận 22 kỷ lục nhiệt độ.

Tháng 5/2025, miền Bắc cũng mát mẻ với 4 đợt mưa tổng cộng 11 ngày, hai đợt nắng nóng nhưng không phải diện rộng. Đợt nắng nóng đầu tiên ngày 5-9/5 xảy ra ở Tây Bắc, Việt Bắc và một số nơi đồng bằng Bắc Bộ; đợt hai ở Sơn La, Hòa Bình ngày 20-21/5.

Nhiệt độ trung bình tại miền Bắc tháng 5 chỉ xấp xỉ trung bình nhiều năm (26,2 độ C), trừ phía nam đồng bằng Bắc Bộ cao hơn cùng kỳ năm 2024 1-1,5 độ C.

Tại Trung Bộ, tháng 6 hàng năm thường là giai đoạn mùa khô, tuy nhiên, tháng 6 năm nay chứng kiến một đợt mưa lũ hiếm gặp. Từ ngày 10 đến 13/6, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, một đợt mưa lớn đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến phía Đông tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 250 đến 500mm, có nơi vượt 600mm.

Thông tin về đợt mưa này, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết, khu vực Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng (cũ) ghi nhận lượng mưa phổ biến 350-600mm, có nơi vượt 800mm.

Theo ông Khiêm, mặc dù trong bão số 1, ảnh hưởng của gió không đáng kể nhưng vẫn gây ra lượng mưa lớn. Trong đó, lượng mưa tập trung trong giai đoạn ngắn, 6 tiếng đồng hồ có thể lên đến 200mm. Thực tế theo thống kê, có 32 trạm đo quan trắc được lượng mưa dồn dập trên 200mm trong 6 tiếng.

Một số điểm mưa ở Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng với lượng mưa trong 24 giờ như vậy là rất hiếm gặp trong cùng kỳ tháng 6 nhiều năm.

Trên một số sông ở Trung Bộ cũng xuất hiện lũ, có sông lên đến báo động (BĐ)2-BĐ3. Với mức lũ này, theo thống kê của cơ quan khí tượng, 30 năm qua, trong tháng 6 – tháng mùa khô, miền Trung chưa bao giờ xuất hiện đỉnh lũ cao như vậy.

Đáng chú ý, tại A Lưới (Huế), lượng mưa tháng đạt 1.056,6mm - vượt xa mức lịch sử 502,3mm của năm 1979. Tại Đà Nẵng, con số 626mm cũng vượt kỷ lục 488,7mm từng ghi nhận 46 năm trước.

Mưa lớn tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 7

Dự báo thời tiết tháng 7 cho thấy nguy cơ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Trên Biển Đông, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có thể ở mức trung bình nhiều năm (khoảng 1–2 cơn), trong đó có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tuy nhiên cường độ dự báo không gay gắt như năm 2024. Ngoài ra, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Hà Tĩnh có thể xuất hiện một số đợt mưa lớn trên diện rộng, trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục duy trì mưa dông vào chiều và tối.

Chuyên gia cảnh báo, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng ở vùng trũng, sạt lở đất tại vùng núi.

Tại khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước và cháy rừng. Ngoài ra, ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và bão có thể gây sóng lớn, gió mạnh trên biển, đe dọa an toàn hoạt động tàu thuyền.

Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, từ tháng 10 đến tháng 12, nguy cơ mưa lớn sẽ chuyển trọng tâm về khu vực Trung Bộ. Đặc biệt trong tháng 10 và 11. Lượng mưa tại Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thời gian này có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm 10-25%, làm gia tăng nguy cơ ngập úng và lũ lụt trong thời kỳ cao điểm của mùa bão.

"Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo, hiện tượng mưa lớn cục bộ với cường suất cao có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ trong mùa mưa mà cả trong mùa khô hoặc chuyển mùa", ông Khiêm nói và lưu ý thêm, người dân, chính quyền các cấp, đặc biệt ở khu vực miền núi, đô thị và vùng trũng thấp cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn và thời tiết nguy hiểm từ cơ quan khí tượng thủy văn.

"Bên cạnh đó, cần chủ động các phương án phòng tránh và ứng phó phù hợp với điều kiện từng khu vực, bao gồm sơ tán dân cư khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước tại đô thị, và dự trữ các vật tư, thiết bị cần thiết", ông Khiêm chia sẻ.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-mien-bac-ghi-nhan-luong-mua-thang-6-vuot-ky-luc-gan-50-nam-169250703152514584.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-mien-bac-ghi-nhan-luong-mua-thang-6-vuot-ky-luc-gan-50-nam-169250703152514584.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguyên nhân miền Bắc ghi nhận lượng mưa tháng 6 vượt kỷ lục gần 50 năm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO