Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó

Hoàng Trinh - Khánh Tâm 23/07/2025 20:46

Trước diễn biến phức tạp của bão Wipha gây mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều huyện miền núi, ngành Y tế Nghệ An đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo duy trì công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.

Mưa lớn gây ngập sâu, chia cắt nhiều trạm y tế

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Nghệ An, từ tối 21 đến sáng 22/7, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, lượng mưa tại nhiều khu vực ghi nhận từ 100–250mm, có nơi vượt ngưỡng 259mm như Quỳ Châu. Mưa lũ đã khiến nhiều xã tại các xã Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông bị cô lập, cơ sở hạ tầng hư hỏng nặng, trong đó hệ thống y tế cơ sở chịu ảnh hưởng rõ rệt.

Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó- Ảnh 1.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế Tương Dương được di dời bằng thuyền. Ảnh: CSCC.

Một số trạm y tế tại Tương Dương và Kỳ Sơn bị ngập sâu, không thể hoạt động, trong đó Trạm Y tế Mỹ Lý bị ngập nặng nhất, tài sản có nguy cơ hư hỏng hoàn toàn. Tại TTYT Tương Dương, nước đã dâng ngập tầng một khu điều trị, gây cô lập khu dự phòng và làm hỏng hai xe y tế chuyên dụng. Dù vậy, đội ngũ y bác sĩ vẫn túc trực, đảm bảo cấp cứu, đỡ đẻ và xử lý các ca bệnh khẩn cấp.

Bác sĩ Vy Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế Tương Dương, cho biết toàn bộ bệnh nhân và người nhà bị cô lập do mưa lũ đã được sơ tán đến nơi an toàn vào sáng 23/7.

Điểm sơ tán là trường Mầm non Thạch Giám (điểm Khe Chi), được lựa chọn nhờ vị trí cao, thuận lợi di chuyển trong điều kiện nước lũ bao vây. Trước đó, từ khoảng 3h sáng, nước lũ bắt đầu tràn vào khuôn viên Trung tâm, đến 5h thì gần như toàn bộ tầng 1 đã chìm trong nước, khiến 13 cán bộ, y bác sĩ và hơn 140 bệnh nhân cùng người nhà bị cô lập.

Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó- Ảnh 2.
Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó- Ảnh 3.
Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó- Ảnh 4.

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lên tầng 2 chờ sơ tán. Ảnh: CSCC.

Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó từ tối 22/7, Trung tâm đã kịp thời di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị và bệnh nhân lên tầng 2. Đến sáng 23/7, hai chiếc thuyền của người dân địa phương đã được huy động để đưa các bệnh nhân đến khu sơ tán an toàn.

Bác sĩ Chiến cho biết thêm, hiện hai xe ô tô của đơn vị bị ngập hoàn toàn, kho thuốc chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù nước đang rút dần, nhưng thiệt hại cụ thể chưa thể thống kê. Hoạt động khám chữa bệnh tại Trung tâm dự kiến sẽ bị gián đoạn trong những ngày tới.

Ngược lại, TTYT Kỳ Sơn và Con Cuông do có vị trí cao nên vẫn duy trì khám, điều trị nội trú cho hàng trăm bệnh nhân. Các trung tâm đã rà soát trang thiết bị, chuẩn bị phương án di dời nếu nước tiếp tục dâng cao.

Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó- Ảnh 5.
Kho thuốc của Trung tâm Y tế Tương Dương bị ngập. Ảnh: CSCC.

Chủ động phương án ứng cứu, không để người dân thiếu chăm sóc y tế

Thực hiện nghiêm túc các công điện chỉ đạo từ Trung ương và UBND tỉnh, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả đơn vị từ tuyến tỉnh đến tuyến xã triển khai các kế hoạch ứng phó bão số 3, sẵn sàng nhân lực, thuốc men, phương tiện cứu thương, máy phát điện dự phòng và phương án thành lập trạm cấp cứu dã chiến tại các điểm cao, tránh ngập.

Ngoài đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong bối cảnh mưa lũ, ngành y tế cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sau lũ như tiêu chảy, viêm da, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ...

Ngành y tế cũng kiến nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, các tổ chức đoàn thể huy động nguồn lực hỗ trợ y tế cho người dân tại các địa bàn bị cô lập như Nhôn Mai, Mường Xén, Hữu Kiệm... Đồng thời, đề xuất phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, lực lượng quân sự hỗ trợ vận chuyển nước sạch, xử lý môi trường và đảm bảo an ninh y tế trong vùng di dời dân.

TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát sát sao tình hình sức khỏe cộng đồng tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Hiện nay, Sở đã chỉ đạo bố trí các đội y tế lưu động đến các xã chịu thiệt hại nặng, đặc biệt tăng cường kiểm soát các bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước bẩn và đường tiêu hoá.

Cùng với đó, ngành y tế sẽ phối hợp với chính quyền và các đơn vị truyền thông để hướng dẫn người dân cách xử lý nước sinh hoạt, bảo quản thực phẩm, vệ sinh cá nhân, cũng như sử dụng thuốc khử trùng một cách an toàn, hiệu quả.


Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/nhieu-co-so-y-te-o-nghe-an-bi-ngap-sau-nganh-y-te-cang-minh-ung-pho-169250723203150912.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/nhieu-co-so-y-te-o-nghe-an-bi-ngap-sau-nganh-y-te-cang-minh-ung-pho-169250723203150912.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An bị ngập sâu, ngành Y tế căng mình ứng phó
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO