Nhiều điểm sạt lở bờ sông Quảng Trị cần khắc phục khẩn trước mùa mưa bão
Hoàng Dũng•16/04/2025 07:50
Trước tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của thiên tai trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị khắc phục khẩn cấp trước mùa mưa bão 2025.
Nhiều vị trí sạt lở
Ngày 16/4, ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa có báo cáo, kiến nghị xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông trước mùa mưa bão 2025.
Theo Sở NN&MT, do ảnh hưởng của mưa lũ trong những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân và hệ thống hạ tầng công trình.
Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hoà, huyện Triệu Phong.Đặc biệt, ảnh hưởng của bão số 6 (diễn ra từ ngày 27 đến 29/10/2024) kèm theo đợt mưa lớn với cường suất cao trong thời gian ngắn đã làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và một số khu vực khác.Cụ thể, tại bờ sông Vĩnh Định, đoạn qua thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong), đã xuất hiện 3 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 1.000 m, ảnh hưởng đến hơn 20 hộ dân, đất sản xuất và tuyến đường giao thông ĐH.47C.Trong khi đó, tại xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng), bờ sông Vĩnh Định bị sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 450 m. Một số đoạn đã ăn sâu vào đường bê tông liên thôn hơn 1 m, tạo hàm ếch lớn, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua khu vực.Cũng tại huyện Hải Lăng, bờ sông Nhùng đoạn qua thôn Mai Đàn (xã Hải Lâm) xuất hiện 2 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 400 m. Trong đó, có những đoạn dài khoảng 100 m bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở, đất vườn và tiềm ẩn nguy cơ làm hư hỏng tuyến đường bê tông liên thôn.
Theo Sở NN&MT, tại huyện Cam Lộ, bờ sông Hiếu đoạn qua hai thôn Trương Xá và Mộc Đức (xã Cam Hiếu) cũng bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 350 m. Có đoạn sạt lở ăn sâu vào mặt đường nhựa từ 0,5 đến 1 m, kéo dài khoảng 70 m, gây mất an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Sạt lở bờ sông đe dọa đất sản xuất của người dân.Đáng lo ngại, tình trạng sạt lở còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng và tuyến đường độc đạo liên xã Cam Hiếu – Cam Thủy, vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, sinh hoạt và công tác cứu hộ, cứu nạn cho người dân vùng Bắc sông Hiếu.Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, chính quyền các địa phương đã triển khai một số biện pháp tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ và bền vững vẫn là xây dựng hệ thống bờ kè kiên cố. Do nguồn lực còn hạn chế, các địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng cấp trên xem xét, hỗ trợ kinh phí để triển khai khắc phục.
Khắc phục khẩn cấp
Theo ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát thực tế, đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí khoảng 16,5 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp một số vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt xung yếu, nghiêm trọng, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến người dân và hạ tầng.
Trước thực trạng sạt lở, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị vừa kiến nghị khắc phục khẩn cấp.“Việc sớm triển khai các giải pháp và bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông tại huyện Hải Lăng, Triệu Phong và một số khu vực khác là hết sức cần thiết, cấp bách, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trong vùng ảnh hưởng trước mùa mưa lũ năm 2025”, lãnh đạo Sở NN&MT nhấn mạnh.Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã giao Sở NN&MT chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp và phương án tổ chức thực hiện nhằm khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với thực tiễn. Việc này cũng góp phần chỉnh trang diện mạo nông thôn, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nghiên cứu các quy định hiện hành để tham mưu tổ chức thực hiện theo quy trình khắc phục khẩn cấp, đảm bảo hoàn thành và an toàn trước mùa mưa lũ năm 2025.Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu UBND các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Cam Lộ chỉ đạo các địa phương trong vùng ảnh hưởng gia cố tạm thời nhằm hạn chế mở rộng vùng sạt lở, bảo vệ tuyến đường giao thông trong khu vực.Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí thêm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, gia cố các rào chắn kiên cố để đảm bảo an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động ứng phó, sẵn sàng di dời và triển khai phương án đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.