Những động vật quý hiếm nào mới được thả vào rừng Tây Nguyên?
Đông Hưng•03/07/2025 08:36
Hàng loạt động vật nguy cấp, quý hiếm vừa được thả vào rừng Tây Nguyên để tiếp tục sinh trưởng, phát triển và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hầu hết động vật quý hiếm được thả vào rừng Tây Nguyên đều sống khỏe mạnh, nhanh nhẹn và sớm thuần thục kỹ năng kiếm thức ăn trong môi trường tự nhiên.Ngày 2/7, lãnh đạo Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk, đóng tại xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, riêng từ giữa tháng 6 đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk đã phối hợp với nhiều lực lượng như kiểm lâm, công an… thả vào khu vực rừng của Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) 12 cá thể động vật quý hiếm. Trong số này, có nhiều loài cần được bảo vệ nghiêm ngặt như tê tê Java, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, rùa đất lớn, rùa sa nhân, kỳ đà vân, cầy vòi hương…
Tê tê Java thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới. Động vật này được ưu tiên bảo vệ, pháp luật nghiêm cấm khai thác, sử dụng, mua bán dưới bất cứ hình thức nào.
Tê tê Java trước khi được thả vào rừng.
Tê tê Java được thả vào khu vực rừng của Vườn quốc gia Chư Yang Sin.
Khỉ đuôi lợn cũng là động vật nguy cấp, quý hiếm, thuộc Nhóm IIB. Các hành vi săn bắn, buôn bán động vật này đều là vi phạm pháp luật. Hiện nay, khỉ đuôi lợn sống trong những cánh rừng tự nhiên ở mIền Trung - Tây Nguyên, Tây Bắc…
Khỉ đuôi lợn được Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk thả vào rừng đợt tháng 6. Còn rùa đất lớn hiện có số lượng rất ít do hay bị săn bắt. Động vật quý hiếm này sinh sống trong môi trường tự nhiên thuộc nhiều tỉnh, thành của Việt Nam như Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai...Đối với rùa sa nhân, đây là động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB, có tên gọi khoa học là Cuora Mouhotii, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk...
Cầy vòi hương cũng thuộc động vật nguy cấp, quý hiếm, có số lượng ngày càng ít đi trong tự nhiên và có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn.
Cầy vòi hương được Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk thả vào rừng đợt tháng 6.Ông Lê Văn Hồng, phụ trách Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) cho biết: "Các động vật quý hiếm nêu trên trước khi thả vào rừng đã được Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk tiếp nhận, chăm sóc, đánh giá kỹ lưỡng. Vậy nên, ngay khi về với tự nhiên, chúng đều sinh tồn tốt.Đây là hoạt động góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và lan tỏa ý thức bảo vệ động vật quý hiếm đến cộng đồng".Cuối tháng 6 vừa qua, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum cũ) cũng đã thả vào rừng 5 các thể động vật quý hiếm, gồm: 2 con khỉ đuôi dài, 2 con rùa núi và một con mèo rừng. Số động vật này do người dân giao nộp cho lực lượng kiểm lâm và kiểm lâm bàn giao cho Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.