Có 14 dư chấn sau động đất Myanmar, người dân cần cứu trợ gì?
Dư chấn có thể tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới trước khi nền địa chất tạm ổn định. Hiện điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt với cái nóng ban trưa duy trì ở mức cao 38 đến 39 độ C ảnh hưởng xấu đến công tác cứu hộ.
Không có thêm động đất lớn sau trận 7.7 độ ở Myanmar
Sáng ngày 31/3, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, về tình hình động đất ở Myanmar cho đến thời điểm hiện tại không có thêm động đất lớn, có 14 dư chấn sau động đất, hơn 1700 người được xác nhận đã tử vong. Số người thiệt mạng ước tính vượt 10.000 người. Công tác cứu hộ vô cùng khó khăn."Cách đây mấy tiếng có một số page giật tít về việc Myanmar tiếp tục có động đất lớn 7,5 độ và người dân chạy trong hoảng loạn. Thực tế không có thêm động đất lớn nhưng có rung chấn", TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết,

Nắng nóng ở Myanmar kéo dài gây khó khăn cho công tác cứu hộ
TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, tại Myanmar, điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt với cái nóng ban trưa duy trì ở mức cao 38 đến 39 độ C ảnh hưởng xấu đến công tác cứu hộ. Nhiệt độ môi trường cao hơn 40 độ C . Hầu hết các khu vực bị mất điện, mất nước.Với những người bị thương mà mắc kẹt trong đống đổ nát với trời nắng nóng sẽ khó duy trì sự sống sau 48 giờ. Với những người bị mắc kẹt mà không bị thương có thể có cơ hội hơn nhưng nếu sau 72 giờ mà chưa được cứu cũng sẽ có ít hi vọng do không có nước uống. Điều tồi tệ là nắng nóng sẽ tiếp tục đến ngày 6/4.Do vậy, người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng đang cần một số nhu yếu phẩm thiết yếu để đối phó với tình hình khẩn cấp. Dựa trên tình hình thực tế và các báo cáo cứu trợ, những nhu yếu phẩm quan trọng nhất hiện nay bao gồm nước sạch, thực phẩm, thuốc men, đèn pin...Điện và hệ thống cung cấp nước bị gián đoạn ở nhiều khu vực, đặc biệt gần tâm chấn như Mandalay và Sagaing. Nước uống an toàn là ưu tiên hàng đầu để tránh các bệnh liên quan đến nước bẩn, nhất là khi có nguy cơ vỡ đập.Thực phẩm sẵn sàng sử dụng (ready-to-eat food) rất cần thiết vì nhiều người mất nhà cửa và không có điều kiện nấu nướng. Khoảng 1/4 dân số Myanmar đã rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trước động đất, nên nhu cầu này càng cấp bách.Các bệnh viện ở Mandalay, Sagaing và Naypyidaw đang thiếu hụt nghiêm trọng bộ dụng cụ chấn thương, túi máu, thuốc gây mê, thuốc thiết yếu và thiết bị hỗ trợ. Với hơn 3.400 người bị thương, nhu cầu về chăm sóc y tế là rất lớn.Lều, chăn và các vật dụng che chắn cần thiết cho hàng chục nghìn người mất nhà cửa hoặc chọn ngủ ngoài trời vì sợ dư chấn. Nhiều tòa nhà đã sụp đổ, đặc biệt ở Mandalay. Mất điện trên diện rộng khiến người dân cần nguồn sáng để hoạt động vào ban đêm, hỗ trợ cả công tác cứu hộ và sinh hoạt.Dù không phải nhu yếu phẩm trực tiếp cho người dân, máy xúc và thiết bị dọn dẹp là cần thiết để giải phóng người mắc kẹt dưới đống đổ nát, đặc biệt ở các khu vực như Mandalay, nơi đội cứu hộ địa phương thiếu trang bị.Tại Việt Nam, chiều qua (31/3) ở Kon Tum cũng xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.3. Cụ thể, vào lúc 16 giờ 38 phút 58 giây (giờ Hà Nội) ngày 30/3, một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.955 độ vĩ Bắc, 108.178 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện KonPlông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.