Tiêu chuẩn kháng chấn đang áp dụng ở các công trình nhà chung cư hiện nay ra sao?
Việc thiết kế công trình chịu động đất theo tiêu chuẩn Việt Nam bảo đảm không bị sụp đổ dựa trên gia tốc nền thiết kế có xác suất vượt 10% trong 50 năm. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn.
Rà soát công tác phòng chống động đất của nhà chung cư
Sau sự cố rung lắc do dư chấn động đất tại Myanmar xảy ra tại TPHCM, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo chi tiết về tình trạng nứt tường, hư hỏng tại hàng trăm căn hộ chung cư Diamond Riverside (quận 8).Bộ cũng yêu cầu thành phố rà soát toàn bộ các chung cư trên địa bàn liên quan đến phòng, chống động đất.

Công trình được thiết kế kháng chấn vẫn có thể rung, nứt tường
Theo TS Đỗ Thanh Hải, dù tiêu chuẩn như vậy nhưng yêu cầu kháng chấn sẽ khác nhau ở mỗi mức độ động đất; khu vực có động đất mạnh sẽ đòi hỏi công trình có khả năng kháng chấn cao hơn. Do đó, việc thiết kế kháng chấn cho công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy mô, mức độ quan trọng và vị trí địa lý.Tuy nhiên phải xác định, việc thiết kế công trình chịu động đất theo tiêu chuẩn Việt Nam bảo đảm không bị sụp đổ dựa trên gia tốc nền thiết kế có xác suất vượt 10% trong 50 năm. Tuy nhiên, công trình vẫn có thể bị hư hỏng như nứt tường, bong nền nếu gia tốc nền vượt quá giá trị thiết kế và điều này là bình thường.Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các Khoa học Trái đất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2009, các nhà khoa học thực hiện bản đồ phân vùng rủi ro động đất của TPHCM.Kết quả cho thấy, nền địa chất khu vực này yếu và rất phức tạp. Trong quá trình phát triển của thành phố, các khu vực mở rộng sau này có nền địa chất yếu hơn, nhiều nơi từng là các bãi đầm lầy với nền địa chất rất yếu, nhất là khu vực phía nam và đông nam của thành phố.PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, nền địa chất yếu, kết hợp với việc gia cố nền móng chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể khiến các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau khi rung chấn xảy ra.PGS Cao Đình Triều chia sẻ thêm, TPHCM là nơi có đứt gãy sông Sài Gòn hoạt động với cường độ yếu. Động đất mạnh nhất ở đây ít khả năng vượt quá 5 độ. Tuy nhiên, dọc đới đứt gãy này, nền địa chất khá yếu. Vì vậy, các công trình xây dựng cần phải hết sức chú ý đến kết cấu nền móng.Theo tài liệu từ Viện Vật lý địa cầu (Nay là Viện Các khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam): Trongsuốt lịch sử từ năm 114 đến năm 2003, Việt Nam đã ghi nhận 1.645 trận động đất có cường độ từ 3 độ Richter trở lên. Đáng chú ý, các trận động đất đạt cấp 7 và cấp 8 đã xảy ra ở nhiều khu vực như Bắc Đồng Hới, Hà Nội, Yên Định – Vĩnh Lộc – Nho Quan và Nghệ An. Một số sự kiện thậm chí có niên đại hàng trăm năm trước, như các trận động đất cấp 8 tại Hà Nội diễn ra vào các năm 1277, 1278 và 1285, sau đó các trận động đất mạnh tiếp diễn ở các khu vực khác như Phan Thiết vào cuối thế kỷ XIX. Những sự kiện này không chỉ chứng tỏ sức mạnh tự nhiên mà còn là lời cảnh tỉnh về khả năng tái diễn của các hiện tượng địa chấn trong tương lai.