Loài sói thời tiền sử 'sống lại' nhờ công nghệ hiện đại

Xuân Minh 08/04/2025 13:23

Ngày 7/4, theo CNN, các nhà khoa học đã hồi sinh thành công loài sói dữ từng thống trị Bắc Mỹ hàng chục nghìn năm trước, nhờ công nghệ chỉnh sửa gen hiện đại.

Thông tin được công bố bởi Colossal Biosciences, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Dallas (Mỹ). Theo đó, ba cá thể sói con đã được tạo ra bằng cách kết hợp giữa DNA cổ đại, kỹ thuật nhân bản và công nghệ chỉnh sửa gen. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực di truyền học.

Loài sói dữ, có tên khoa học Aenocyon dirus, từng là biểu tượng của sự mạnh mẽ và đáng sợ trong thời kỷ băng hà. Với thân hình to lớn hơn sói xám hiện nay, hộp sọ rộng, bộ lông dày và bộ hàm cực kỳ khỏe, chúng là những thợ săn không đối thủ trong thế giới hoang dã cổ đại. Hình ảnh của chúng thậm chí đã truyền cảm hứng cho loài "direwolf" nổi tiếng trong loạt phim Game of Thrones.

Hành trình hồi sinh loài vật này bắt đầu từ hai mẫu hóa thạch: một chiếc răng 13.000 năm tuổi và một hộp sọ lên đến 72.000 năm tuổi. Từ đó, các nhà khoa học đã chiết xuất DNA và tái dựng lại bộ gen hoàn chỉnh của loài sói này.

Bằng cách so sánh bộ gen này với các loài chó hiện đại như sói xám, chó rừng và cáo, nhóm nghiên cứu đã xác định được những đoạn gen đặc trưng, ví dụ như gen quyết định bộ lông trắng dày, cơ bắp phát triển hay hình dạng hộp sọ.

Dựa trên kết quả phân tích, họ đã tiến hành chỉnh sửa 14 gen trên sói xám với tổng cộng 20 thay đổi, nhằm tái tạo các đặc điểm của sói dữ. Sau đó, các tế bào được chỉnh sửa được đem nhân bản, đưa vào trứng và cấy vào cơ thể của những con chó săn lớn, đóng vai trò như "mẹ mang thai hộ". Kết quả, hai con sói đực chào đời vào tháng 10/2024 và một con cái ra đời vào tháng 1 năm nay.

Hiện tại, ba sói dữ mới này đang sống trong một khu bảo tồn rộng hơn 800 hecta tại một địa điểm bí mật. Khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt với hàng rào cao 3 m, hệ thống camera, máy bay không người lái và lực lượng an ninh chuyên nghiệp. Theo Colossal, cơ sở này đã được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhân đạo Mỹ và đăng ký chính thức với Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Giáo sư Love Dalen, chuyên gia di truyền học tại Đại học Stockholm và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết bộ gen của ba con sói con có đến 99,9% giống sói xám. Tuy nhiên, nhờ những chỉnh sửa gen tinh vi, chúng có hình dáng và hành vi giống sói dữ hơn bất kỳ sinh vật nào từng tồn tại trong suốt 13.000 năm qua. Ông gọi đây là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ sinh học, mở ra cơ hội khôi phục nhiều loài đã tuyệt chủng.

Colossal được thành lập vào năm 2021 bởi doanh nhân Ben Lamm và nhà di truyền học danh tiếng George Church (Đại học Harvard). Kể từ đó, công ty đã huy động được hơn 435 triệu USD với tham vọng hồi sinh các loài như voi ma mút lông dài, chim dodo và hổ Tasmania. Dự án tái sinh voi ma mút, biểu tượng của thời kỷ băng hà, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Không chỉ dừng lại ở việc hồi sinh các loài đã biến mất, công nghệ mà Colossal phát triển còn đang được ứng dụng vào công tác bảo tồn. Gần đây, công ty đã nhân bản thành công hai lứa sói đỏ, một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao tại Mỹ, bằng một phương pháp mới, ít xâm lấn hơn so với kỹ thuật truyền thống.

Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với hướng đi này. Một số chuyên gia lo ngại việc tạo ra các sinh vật "lai" có thể làm xáo trộn hệ sinh thái và đặt câu hỏi liệu những con vật được tạo ra có thể hòa nhập với môi trường tự nhiên hay không. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hàng trăm triệu USD đầu tư vào công nghệ hồi sinh loài tuyệt chủng nên được chuyển hướng sang hỗ trợ các chương trình bảo tồn hiện tại, vốn đang rất cần kinh phí.

Xuân Minh