Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu

Linh Trang - Hùng Trần 09/04/2025 08:58

Bà con đồng bào ở những bản biệt lập, xa trung tâm được lực lượng quân y đến tận nơi thăm khám, cấp thuốc và tư vấn phòng, chống bệnh tật. Mô hình 'Tủ thuốc biên cương' không chỉ tạo thuận lợi cho dân mà còn san sẻ vất vả với cán bộ y tế địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng biên.

Xã miền núi, vùng biên Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Toàn xã có 18 bản, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Ma Coong (thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều) và Arem (thuộc dân tộc Chứt). Các bản làng phân bố rải rác dọc tuyến biên giới, trong đó bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 30km đường rừng. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 1.
Cư dân tại xã vùng biên Thượng Trạch phần lớn là đồng bào Chứt, Bru - Vân Kiều.

Đồn Biên phòng Cồn Roàng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đóng chân trên địa bàn xã Thượng Trạch, được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 8 bản thuộc xã Thượng Trạch và xã Tân Trạch – hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch.

Gắn bó với địa bàn, lực lượng biên phòng không chỉ phối hợp cùng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mà còn luôn trăn trở, tìm cách hỗ trợ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống.

Từ việc hướng dẫn bà con trồng lúa nước, hỗ trợ vốn phát triển sinh kế, đến xây dựng hệ thống chiếu sáng bản làng hay chương trình “Nâng bước em đến trường” – mỗi hoạt động đều thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và tình cảm của người lính quân hàm xanh đối với người dân vùng biên.

Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 2.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng giúp dân dựng nhà.

Một trong những vấn đề lớn được lực lượng bộ đội biên phòng đặc biệt quan tâm là công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản. Với địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, lực lượng y tế địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, nhận thức về phòng, chống bệnh tật còn hạn chế; một số hủ tục lạc hậu vẫn âm thầm tồn tại, khiến công tác y tế càng thêm phần gian nan.

Chung tay cùng cán bộ y tế địa phương, Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã triển khai mô hình “Tủ thuốc biên cương” tại các bản làng. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu, lực lượng quân y biên phòng còn tích cực tuyên truyền kiến thức về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, góp phần từng bước loại bỏ các hủ tục ra khỏi đời sống đồng bào.

Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 3.
Đồn Biên phòng Cồn Roàng triển khai mô hình "Tủ thuốc biên cương".

Thiếu tá Trương Quý Tam – quân y Đồn Biên phòng Cồn Roàng – chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là khám và cấp phát thuốc điều trị các bệnh thông thường, hướng dẫn bà con thay đổi những thói quen sinh hoạt không phù hợp nhằm ngăn ngừa bệnh tật bùng phát, lây lan. Đặc biệt, chúng tôi tuyên truyền để bà con từ bỏ các phương pháp chữa bệnh lạc hậu như thổi, cúng bái thầy mo; thay vào đó, khi ốm đau, cần tìm đến quân y hoặc các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”.

Cùng phối hợp trên địa bàn, bác sĩ Phan Văn Huệ – Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch – cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng quân y, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực. Người dân được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, nhận thức trong việc phòng, chống bệnh tật cũng ngày càng nâng cao”.

Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 4.
Ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu, lực lượng quân y còn tuyên truyền tới bà con kiến thức phòng, chống bệnh tật, loại bỏ các hủ tục khỏi đời sống.

Được biết, mô hình “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Cồn Roàng hiện được đặt tại 3 điểm trên địa bàn xã Thượng Trạch, gồm: bản Coóc, bản Cu Tồn và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bố Trạch. Kinh phí duy trì mô hình được trích từ nguồn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cùng với sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Thiếu tá Trương Quý Tam cho biết thêm: “Bà con chủ yếu đến khám các bệnh thông thường như tim mạch, xương khớp, bệnh truyền nhiễm... Ngoài ra, người dân gặp tai nạn khi đi rừng, lao động sản xuất cũng được chúng tôi sơ cứu, băng bó kịp thời. Với các ca nặng, cần cấp cứu, chúng tôi liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc hướng dẫn người nhà vận chuyển bệnh nhân đi điều trị”.

Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 5.
Lực lượng quân y phối hợp với lực lượng y tế địa phương, y tế học đường chăm sóc sức khỏe học sinh trên địa bàn biên giới.

Dù mới triển khai trong thời gian chưa lâu, mô hình “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với người dân nơi đây, đó đã trở thành địa chỉ tin cậy mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

“Trước đây, mỗi khi đau ốm, bà con cứ nghĩ là do con ma rừng làm nên phải cúng, phải thổi mới khỏi. Sau này, nhờ cán bộ y tế, bộ đội biên phòng nhiều lần chữa lành bệnh, tôi mới hiểu là phải uống thuốc thì mới khỏi. Giờ trong nhà ai có bệnh gì, tôi đều tìm đến bác sĩ, quân y. Trạm y tế xã ở xa, giờ có các chú quân y về bản khám bệnh, phát thuốc, chúng tôi đỡ vất vả nhiều. Chỉ khi bệnh nặng lắm mới phải ra trạm hay xuống viện”, bà Y Năng, trú tại bản Coóc, xã Thượng Trạch, chia sẻ.

Và cứ thế, hình ảnh những người lính quân hàm xanh khoác áo thầy thuốc, lặng thầm bám bản, chăm lo sức khỏe cho đồng bào vùng biên viễn, ngày càng trở nên thân thuộc. Họ không chỉ mang đến niềm tin, mà còn nhận được sự yêu quý, trân trọng từ bà con nơi đây.

Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 6.
Tủ thuốc biên cương – điểm tựa sức khỏe cho đồng bào vùng sâu- Ảnh 7.

Hình ảnh người thầy thuốc khoác trên mình màu áo lính, bám bản chăm lo sức khỏe Nhân dân trở nên thân quen với đồng vùng biên viễn.

Trung tá Nguyễn Khánh Toàn – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cồn Roàng – cho biết: “Thông qua mô hình Tủ thuốc biên cương, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trở nên thuận lợi hơn. Ý thức của bà con trong việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng từng bước được nâng cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình này, góp phần chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng biên”.

Linh Trang - Hùng Trần